Thứ bảy, Tháng mười một 16
Shadow

Nữ quán quân sau 9 năm chờ đợi của Đường lên đỉnh Olympia: “Em nghĩ mình bị hiểu nhầm khá nhiều”

Nguyễn Thị Thu Hằng trở thành niềm tự hào của Ninh Bình khi lần đầu tiên đưa vòng nguyệt quế của “Đường lên đỉnh Olympia” về tỉnh này. Trở thành nhân vật được nhiều người biết đến, nữ sinh không tránh khỏi việc bị bàn tán.

Một đêm sau trận chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 20, Thu Hằng vẫn chưa hết vui mừng vì chiến thắng của mình. Sáng nay (21/9), nữ sinh trở về ngôi trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình trong sự chào đón nồng ấm của thầy cô và bè bạn.

Còn trong cuộc phỏng vấn với phóng viên, nữ quán quân chia sẻ nhiều kỉ niệm xung quanh dấu mốc đáng nhớ của tuổi 17.

Đăng quang ngôi vô địch Olympia, trở thành nữ quán quân sau 9 năm, bạn hẳn mang trong mình rất nhiều cảm xúc?

Em vẫn đang lâng lâng, thật sự rất vui và hạnh phúc. Em rất xúc động khi thấy hình ảnh quê hương và hai từ Ninh Bình.

Thu Hằng đón nhận chiến thẳng bằng nụ cười hạnh phúc

Gia đình, thầy cô giáo trực tiếp ôn luyện và bạn bè đã nói gì với bạn sau trận chung kết? Có lời nhắn nào khiến bạn đặc biệt ghi nhớ không?

Đáng nhớ nhất có lẽ là lời nhắn trước khi em thi về đích của thầy hiệu trưởng. Lúc đó thầy mất cả giọng rồi nhưng vẫn cố gửi những tình cảm và sức mạnh đến cho em từ đầu cầu trường THPT Kim Sơn A.

Bố mẹ em thì rất vui, cũng hân hoan và bắt tay em sau trận chung kết nhưng chưa có thời gian nói chuyện nhiều với con gái vì còn bận trả lời những cuộc gọi chúc mừng.

Sáng nay em về trường, được mọi người đón từ cổng vào, các bạn vỗ tay, thầy cô chúc mừng. Em thấy tự hào vì trở thành người đầu tiên mang danh hiệu nhà vô địch Olympia về cho tỉnh Ninh Bình.

Nữ quán quân trở về trường trong sáng ngày 21/9. (Ảnh: Nguyễn Long)

Thu Hằng là nữ sinh có tổng điểm cao nhất “Đường lên đỉnh Olympia'” trong 20 năm qua. (Ảnh: Nguyễn Long)

Sau chương trình, trang cá nhân của bạn hẳn được nhiều người “săn lùng”, tìm kiếm?

Em bị “bão” tin nhắn. Thực sự là những tin nhắn gửi cho em nhiều gấp 5, 6 lần so với thời điểm em được vào chung kết năm. Đó là những lời chúc từ người thân, bạn bè, gia đình và rất nhiều tin nhắn chờ, em khá vui.

Xem thêm  Vụ phản bội hot nhất MXH: Vợ đi mót rau nuôi chồng thuở hàn vi, có nhà lầu xe hơi thì chồng cặp bồ, đánh vợ đổ máu

Từ sáng đến giờ, em cũng đã trả lời gần hết tin nhắn của mọi người. Những tin nhắn của người lạ, em cũng đã thả tim và gửi lời cảm ơn. Đây đều là những tình cảm của mọi người nên em rất trân trọng.

Trên mạng xã hội, một số ý kiến cho rằng bạn thể hiện cảm xúc có phần thái quá, nhất là thời điểm chưa thực sự chiến thắng. Bạn thấy thế nào về điều này?

Nếu mọi người đặt mình vào hoàn cảnh của thí sinh hoặc người nhà thí sinh thì tâm thế đón nhận hình ảnh đó sẽ khác. Ai đến chương trình cũng có một ước mơ, đằng sau em còn rất nhiều người chờ đợi em bằng một chiến thắng và áp lực là điều không thể không có.

Không phải đến gần cuối chương trình em mới cười, khi em đang xếp thứ 2 sau Quốc Anh, nụ cười vẫn trên môi em. Em vẫn tin là bản thân mình có thể làm được.

Nếu cho em làm lại, em vẫn sẽ là em, vẫn là chính mình chứ không đắn đo gì cả.

Trong cuộc thi, lúc em cầu nguyện thì có người bảo là em đang cầu cho bạn đang thi sai. Trong khi, em chỉ đang cầu nguyện hôm nay mình là người được chọn. Em nghĩ là mình bị hiểu nhầm khá nhiều.

Nữ sinh thể hiện cảm xúc trong chương trình chung kết sáng ngày 20/9

Bạn có gặp áp lực gì khi 3 đối thủ nặng kí còn lại đều là nam không? Bạn nghĩ sao về bức ảnh chụp khoảnh khắc 3 bạn nam ôm chầm lấy nhau còn bạn đứng riêng đằng sau?

Em không gặp áp lực gì nhiều vì ngay từ cuộc thi tháng thì đối thủ của em cũng đều là nam rồi. Cuộc thi là bình đẳng, là nam hay nữ thì cũng không ảnh hưởng gì, ngoại trừ một chút vấn đề về sức khỏe hay tâm lý thôi.

Về bức ảnh, em nghĩ nó không phản ánh hết thực tế. Trước đó, em đã chạy sang bắt tay Quốc Anh và Tuấn Kiệt, em chờ 2 bạn đó sang bắt tay Dũng Trí rồi cả 4 người cùng ôm nhau.

Theo bạn, quán quân nữ có khác với quán quân nam không?

Em thấy mỗi nhà quán quân có một nét riêng, cá tính riêng – điều đó mới quan trọng!

Bạn có bí kíp nào trong quá trình ôn thi “Đường lên đỉnh Olympia” không?

Xem thêm  Clip 2 cô giáo nghi bạo hành, "quăng" các cháu mầm non như đồ chơi lúc ngủ trưa vì quấy khóc

Đường lên đỉnh Olympia là cuộc thi kiểm tra kiến thức rộng nên quá trình ôn luyện cũng không thể chỉ kéo dài vài tháng hay chỉ một năm mà phải là quá trình tích lũy hằng ngày. Từ ngày học cấp 2, em thường ghi lại những thông tin thú vị khi xem thời sự hoặc đọc báo. Mỗi ngày tích góp một chút.

Giải thưởng được tăng lên sau 20 năm chương trình lên sóng, bạn dự tính sẽ dùng phần thưởng đó như thế nào?

Giải thưởng của em được chuyển luôn thành suất học bổng 4 năm bên Úc, em vẫn sẽ chọn du học ở Đại học Kỹ thuật Swinburne như các anh chị quán quân những năm trước.

Đến thời điểm hiện tại, em vẫn chưa có dự định nào cụ thể cả vì còn đang trong quá trình chọn ngành nghề. Chắc là còn phải nhờ tư vấn từ phía mọi người nữa.

Cận cảnh vòng nguyệt quế mạ vàng nguyên chất của Đường lên đỉnh Olympia. (Ảnh: Fanpage Đường lên đỉnh Olympia)

Dự định “xả hơi” của bạn sau khi hoàn thành một chặng đường khá dài cùng “Đường lên đỉnh Olympia” là gì?

Chắc chắn là sẽ khao mọi người một bữa và cảm ơn những người đã, đang và sẽ ủng hộ em.

Sau đó, em sẽ quay về với việc học vì trong quá trình ôn luyện để đi thi, nhà trường cũng tạo điều kiện cho em học riêng với các thầy cô, việc học trên lớp bị gián đoạn một chút. Tiếp nữa là chuẩn bị mọi thứ cho việc đi du học.

Nếu không trở thành quán quân của “Đường lên đỉnh Olympia”, không giành học bổng đi du học thì sang năm bạn sẽ thi vào trường đại học nào?

Em nghĩ là em sẽ thi khối Khoa học tự nhiên, chọn giữa khối A hoặc B. Nếu không về nhất thì em cũng chắc một suất trong trường đại học Swinburne cơ sở Việt Nam dành cho các bạn nhất quý của chương trình.

Thu Hằng chụp ảnh tại Đài truyền hình Việt Nam sau trận chung kết

Nhiều quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm trước đã chọn ở lại làm việc tại đất nước mà họ du học. Còn bạn dự định thế nào?

Quan điểm của em rất rõ ràng là nếu luôn hướng đến quê hương, đất nước thì dù có học tập hay ở lại làm việc ở nước ngoài thì vẫn luôn có ý thức đóng góp và cống hiến cho nước nhà.

Theo Pháp Luật bạn đọc