Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

Snowden đã đào thoát ngoạn mục khỏi Hong Kong như thế nào?

Hành trình đào thoát của Edward Snowden khỏi sự truy lùng gay gắt của chính phủ Mỹ được cho là có tác động không nhỏ từ Bắc Kinh, đặc biệt trong việc giúp anh rời khỏi Hong Kong.

Tháng 6/2013, cả thế giới bàng hoàng bởi bài báo công bố tài liệu tuyệt mật về chương trình theo dõi người dân thô bạo của chính phủ Mỹ và Anh trên tờ Guardian. Tiếp đó, hàng loạt các tờ báo lớn tại nhiều quốc gia cũng bắt đầu đưa tin về vụ việc.

Người cung cấp thông tin cho giới truyền thông là Edward Snowden, nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và từng là nhân viên chính thức của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Nhiều người trên thế giới coi Snowden là người hùng, nhưng chính phủ Mỹ lập tức chỉ trích đây là “kẻ phản bội”, đưa nhân vật vào danh sách truy nã hàng đầu.

snowden, đào thoát, hong kongCựu chuyên viên NSA Edward Snowden. Ảnh: CNN.

Kế hoạch đào tẩu

Giữa tháng 5/2013, Snowden xin nghỉ phép với lý do trở về lục địa Mỹ để điều trị động kinh. Trên thực tế, nhân viên NSA này đã bay đến Hong Kong (Trung Quốc). Trước giai đoạn này, Snowden làm việc tại trung tâm điều hành khu vực Hawaii của NSA khoảng 15 tháng.

Snowden đến Hong Kong vào ngày 20/5/2013. Tại đây, cựu nhân viên của CIA gần như chỉ ở bên trong khách sạn Mira và hiếm khi ra ngoài. Chính tại đặc khu này, Snowden đã tuồn hàng nghìn tài liệu mật cho phóng viên tờ Guardian và nhà làm phim tài liệu Laura Poitras (về sau cô giành giải Oscar về bộ phim tường thuật lại cuộc gặp này) về chương trình theo dõi của NSA.

Bài báo đầu tiên đăng trên Guardian vào ngày 6/6/2013, khi NSA bị cáo buộc thu thập dữ liệu trao đổi qua điện thoại của hàng triệu khách hàng hãng Verizon. Một ngày sau, tờ báo đồng hành là Washington Posttiết lộ NSA đang truy cập kho dữ liệu khổng lồ của Facebook và Google nhằm thu thập thông tin trao đổi của người dân.

Ngày 9/6/2013, Snowden lên tiếng công khai vì anh không muốn ẩn danh, mà muốn giải thích rõ về hành động của mình và trách nhiệm phải công bố cho người dân về những hành động lén lút của chính phủ. Sóng gió ập đến với anh ngay lập tức, khi Washington cáo buộc và đề nghị các chính quyền liên quan hỗ trợ dẫn độ Snowden trở về Mỹ.

Mỹ tuyên bố Snowden vi phạm ba tội dựa theo Luật gián điệp năm 1917, do vậy đề nghị chính quyền Hong Kong dẫn độ Snowden về Mỹ. Lúc này, anh đã rời khách sạn Mira và được một nhóm người tị nạn ở Hong Kong hỗ trợ che giấu tung tích.

Về phía chính quyền Hong Kong, họ khẳng định sẽ không xảy ra chuyện dẫn độ do “những hồ sơ mà chính phủ Mỹ cung cấp không hoàn toàn tuân thủ với các yêu cầu pháp lý theo luật của Hong Kong”.

snowden, đào thoát, hong kongKhách sạn Mira ở Hong Kong, nơi Snowden trú ẩn khi tiết lộ hàng loạt tài liệu mật của cơ quan tình báo Mỹ. Ảnh: SCMP.

Mỹ không kịp hủy hộ chiếu

Một luật sư có tiếng ở Hong Kong nhận định với Reuters rằng phản ứng của chính quyền vào thời điểm này “có phần khác thường”. “Họ đang cố gắng trì hoãn, có thể do sự ảnh hưởng từ Bắc Kinh hoặc do công luận Hong Kong khi đó ủng hộ Snowden rất mạnh mẽ”.

Xem thêm  Cựu đại biểu Quốc hội Thu Nga bị đề nghị án tù chung thân

Ngày 19/6/2013, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder phải gọi điện tới người đứng đầu cơ quan tư pháp Hong Kong Rimsky Yuen để thúc giục việc dẫn độ Snowden.

Trong khi đó, tại nơi ẩn náu, Snowden cùng các luật sư đã bí mật đàm phán với nhiều chính phủ để xem xét xin tị nạn. Một nhân vật khả tín đã bí mật tiếp cận với Snowden truyền thông điệp của chính quyền Hong Kong rằng anh sẽ được tự do rời khỏi đây.

Ngày 23/6, luật sư Jonathan Man đi cùng Snowden ra sân bay Hong Kong nhằm bảo đảm anh ta được rời đi an toàn. “Nếu Snowden bị bắt ở sân bay,  chúng tôi sẽ ngay lập tức tiến hành các thủ tục để sớm giúp anh được thả tự do”, luật sư Albert Ho, một trong nhóm luật sư hỗ trợ của Snowden, nói.

Đi cùng Snowden ra sân bay Hong Kong còn có một đại diện của Wikileaks là cô Sarah Harrison. Snowden xuất trình hộ chiếu và làm thủ tục chuyến bay tại quầy của hãng Aeroflot mà không gặp sự cố nào. Người sáng lập Wikileaks, Julian Assange, sau này cho biết tổ chức của ông đã chi trả mọi chi phí ăn ở của Snowden ở Hong Kong và vé máy bay để anh rời Hong Kong.

Khi nhận tin từ người mật báo không rõ tung tích, thoạt đầu Snowden băn khoăn không biết có nên tin theo hay không. Nhưng anh biết rõ mình không còn nhiều sự lựa chọn, nên quyết định chuẩn bị rời khỏi Hong Kong bằng đường hàng không. Báo Guardian cho biết Snowden không hề bị chặn đường hoặc gây khó dễ khi đến và làm thủ tục tại sân bay Chek Lap Kok.

snowden, đào thoát, hong kong

Edward Snowden rời khỏi sân bay ở Moscow sau một thời gian ở tạm tại khu vực chuyển tiếp sau khi rời Hong Kong. Ảnh: AP.

Washington Post cho biết nhiều cảnh sát mặc thường phục đã hiện diện ở sân bay khi đó. Theo luật sư Ho, ông và các cộng sự thậm chí đã tính đến phương án viện dẫn quy trình “habeas corpus” (một quyền bảo vệ nhân thân, cho phép toà án triệu tập một cơ quan công quyền đang giam giữ một cá nhân phải đưa người này đến toà trình diện và giải thích lý do bắt giữ) để giải cứu Snowden nếu anh bị bắt tại sân bay.

Mỹ đã cố gắng ngăn chặn việc Snowden rời Hong Kong. Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố đã huỷ hộ chiếu của Snowden trước khi anh kịp tới phi trường. Tuy nhiên cơ quan xuất nhập cảnh Hong Kong khẳng định họ không nhận được thông báo nào về chuyện này, nên vẫn làm thủ tục cho Snowden. Sau này, một người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ nói họ nhận được các chất vấn từ Hong Kong về về yêu cầu bắt giữ Snowden.

Guardian cho biết Hong Kong đề nghị giải thích hàng loạt vấn đề, bao gồm việc không có số hộ chiếu trong công văn của Mỹ, hoặc tên lót của Snowden bị viết sai! Sau này, Hong Kong còn yêu cầu Mỹ phải làm rõ có hay không việc nước này do thám các cơ quan Hong Kong. Trong khi các chuyên viên Mỹ đang soạn thảo văn bản trả lời thì họ nhận tin rằng Snowden đã rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc! Còn Hong Kong giải thích rằng do không nhận được phản hồi từ Mỹ nên họ không có lý do để ngăn chặn Snowden.

Xem thêm  Đề xuất thu phí môi trường với khí thải: Một hình thức "bóp cổ"!

Khi máy bay chở Snowden đã rời khỏi không phận Trung Quốc, Hong Kong mới phát thông báo về chuyện này. “Ngay cả khi Mỹ trả lời trong vài giờ thì ngày hôm đó vẫn là chủ nhật ở Hong Kong. Như vậy Snowden đã cố tình được tạo ‘cơ hội cuối tuần’ để thoát khỏi Hong Kong”, Surya Deva, phó giáo sư ngành luật tại Đại học Thành thị Hong Kong, nói.

Lúc này Snowden rơi vào tình trạng vô quốc tịch. Khi chuyến bay chở Snowden đến Moscow (Nga), cuộc săn đuổi của Washington đã chuyển sang một hướng mới phức tạp hơn.

snowden, đào thoát, hong kongVụ việc của Snowden rất được dư luận Trung Quốc quan tâm. Ảnh: AFP.

Sự can thiệp của Bắc Kinh

Theo New York Times, Bắc Kinh được cho là đã ra quyết định cuối cùng về việc Snowden sẽ được rời khỏi Hong Kong. Dù đặc khu này khẳng định các thủ tục tư pháp của họ độc lập với đại lục, những vấn đề về đối ngoại lại hoàn toàn do Bắc Kinh quyết định.

Từ quan điểm của Trung Quốc, sự rời đi của Snowden sẽ giải quyết được hai rắc rối lớn. Một là không để mối quan hệ Trung – Mỹ rơi vào rắc rối lâu dài vì chuyện Snowden, và hai là dư luận Trung Quốc khi đó phần đông xem Snowden như một người hùng.

“Chắc chắn đã có những cuộc thảo luận ở hậu trường giữa Hong Kong và Bắc Kinh”, Jin Cairong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói.

Trong sự việc này, chính phủ Trung Quốc được cho là hài lòng với việc Snowden đã tiết lộ về mức độ theo dõi lén lút của chính phủ Mỹ với cả thế giới, tạo cơ hội cho người dân trong nước bàn tán về những điều khuất tất ở Washington. Trước đó, hàng loạt quan chức trong chính quyền Obama, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và Cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon, liên tiếp cáo buộc Trung Quốc tiến hành do thám trên mạng đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Do vậy, những tiết lộ của Snowden giúp Bắc Kinh củng cố lời phản pháo rằng Trung Quốc mới chính là nạn nhân của các vụ tấn công mạng từ Mỹ. Người dân Trung Quốc bức xúc bày tỏ thái độ với Mỹ là “kiêu ngạo” và “hai mặt”. Tờ Global Times bình luận: “Washington hẳn đang nghiến răng tức tối do Snowden đã lật đổ hình ảnh người bảo vệ tự do Internet mà Mỹ luôn rêu rao”.

Tuy nhiên, về lâu dài, mối quan hệ tổng thể Trung – Mỹ, trải rộng ở nhiều lĩnh vực từ hợp tác kinh tế đến an ninh –  quân sự, là quan trọng hơn nhiều so với sự bàn tán của công chúng. Các chuyên gia tình báo tin rằng Bắc Kinh bằng nhiều cách đã có được các nội dung mật mà Snowden mang đến Hong Kong. Và khi đã đạt được mục tiêu, Trung Quốc không cần, và cũng không muốn, Snowden tiếp tục ở lại Hong Kong.

Theo Zing