Cách tốt nhất để nhận biết những kẻ sống giả tạo, thiếu ngay thẳng là nghe những gì họ nói, quan sát những gì họ làm và cẩn thận khi nhận thấy những dấu hiệu sau.
Chỉ làm việc đúng khi có người giám sát
Lòng chính trực có thể được định nghĩa là sự tự giác thực hiện các hành vi đúng chuẩn mực. Một người thiếu chính trực sẽ ra quyết định dựa trên sự phản ứng của người khác chứ không phải vì lợi ích chung.
Hãy cẩn thận bởi những kẻ này luôn mong muốn trở thành trung tâm của sự chú ý và sẽ không từ thủ đoạn nào để đạt được điều mình muốn. Tất nhiên, họ sẽ làm điều tốt nếu cần, nhưng điều này chỉ xảy ra nếu có người theo dõi. Hãy chú ý đến những quyết định cá nhân của họ khi không có ai giám sát. Quan sát cách mà họ đối xử với những người kém may mắn hơn mình.
Bám vào “những lời nói dối vô hại” như một cái cớ
Tay đã nhúng chàm thì vĩnh viễn không rửa sạch được. Làm chuyện xấu một lần thì sẽ có lần thứ hai và hơn thế nữa. Chẳng ai thức dậy và nói rằng “Hôm nay mình sẽ làm vài việc xấu”. Thay vào đó, sự lười biếng, “cửa sau”, lòng tham là những thứ thúc đẩy các hành vi tương tự. Bạn có thể cho rằng vài sai phạm nhỏ sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như chúng mang lại những lợi ích lớn hơn, ví dụ như một vị trí tốt trong công việc chẳng hạn.
Tuy nhiên, nói dối mãi thành quen nên nếu lần sau nghe thấy ai nói “Chỉ là lời nói dối vô hại thôi mà”, hãy tránh xa người đó. Đó là lối suy nghĩ của những kẻ sống ích kỷ và luôn tìm cách đổ lỗi của mình cho kẻ khác.
Coi hành vi của mình là vô hại
Chẳng ai biết người ta có thể chà đạp lên người khác theo cách nào để duy trì lợi ích của mình. Sẽ luôn có những đứa trẻ thông minh nhưng phải chịu thiệt thòi chỉ vì cha mẹ chúng không đủ tiền mua cho nó một suất vào thẳng các trường đại học danh tiếng nhất. Những người hối lộ, lừa đảo làm tổn thương tất cả mọi người xung quanh bằng những hành vi của họ mà không hề nhận thức được điều đó. Điều họ quan tâm chỉ là lợi ích cá nhân.
Đáng chú ý hơn, người ta sẽ dễ dàng hợp lý hóa sự “lừa lọc” của mình nếu họ đang chia sẻ lợi ích nhóm với người khác. Nhiều người cùng đồng tình với một cái sai, nó sẽ được mặc nhiên trở thành hợp lý bởi “ai cũng làm như vậy”.
Với họ, khái niệm sự thật thay đổi theo lợi ích
Chính trực nghĩa là bạn cần nói ra sự thật và tuân thủ nó, ngay cả khi điều đó xấu xí như thế nào. Một khi bạn lừa dối người khác, bạn cũng đang tự lừa dối chính mình. Những người có lòng chính trực thực hiện lời hứa, giữa lời và tuân thủ sự thật trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Nhưng những kẻ sống thiếu ngay thẳng, khái niệm sự thực sẽ thay đổi theo cách có lợi nhất cho họ.
Nói một đằng, làm một nẻo
Cách chúng ta nhìn nhận bản thân khác xa so với cách chúng ta hành động. Chúng ta có xu hướng duy trì hình ảnh tích cực của bản thân bằng việc biện hộ cho hành vi của mình. Ví dụ: chúng ta chịu trách nhiệm toàn bộ cho một dự án, lao vào một cuộc tranh biện chỉ vì sở thích mà đôi khi không chú ý đến hành vi của mình.
Khi một vị lãnh đạo nói “Làm theo những gì tôi nói, đừng bắt chước những gì tôi làm”, anh ta yêu cầu người khác chấp nhận hai hệ thống giá trị. Sớm thôi, anh ta sẽ nhận được sự thất vọng từ những người xung quanh bởi những hành vi đi ngược với lời nói.
Những người khác sẽ đánh giá hành vi, lời nói của bạn. Nếu không thể hành động như lời nói, theo thời gian bạn cũng sẽ trở thành “chú bé chăn cừu”, không ai còn tin tưởng lời bạn nói nữa.
Hà Lê – Trí thức trẻ