Núi lửa Anak Krakatau chính là “hậu duệ” của thảm họa núi lửa khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử loài người.
Theo tin tức mới nhất trên tờ The Guardian (Anh), ít nhất 280 người chết và hơn 1000 người bị thương, hàng chục người mất tích cùng hơn 11.000 người phải di tản sau vụ sóng thần khổng lồ bất ngờ tấn công vào eo biển Sunda của Indonesia lúc 21:30′ giờ địa phương ngày thứ Bảy, 22/12/2018.
CNN cung cấp thiệt hại khủng khiếp về của như sau: Ít nhất 558 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Trong khi đó, 9 khách sạn, 60 nhà hàng và 350 tàu thuyền bị con sóng dữ tàn phá nặng nề. Con số thương vong ngày càng tăng.
Nguyên nhân “quái vật” sóng thần bất ngờ trỗi dậy là gì?
1. Manh mối đến từ vệ tinh
BBC dẫn lời các nhà địa chất học thế giới cho hay, lở đất dưới đáy biển là nguyên nhân gây ra trận sóng thần hủy diệt này. Nguyên nhân lở đất được cho là đến từ những hoạt động không ngừng của ngọn núi lửa đảo Anak Krakatau (hay Anak Krakatoa).
Ngày 23/12, một ngày sau thảm họa sóng thần thương tâm ở Indonesia, các nhà khoa học xác nhận nguyên nhân dẫn đến sóng thần ở Indonesia thông qua dữ liệu vệ tinh và cảnh quay trực thăng rằng: Trong quá trình phun trào, khu vực phía tây nam của núi lửa đảo Anak Krakatau bị sụp đổ, vật chất đất đá nóng sụp xuống biển khiến nước dâng cao gây sóng thần bất ngờ.
Vị trí núi lửa Krakatau (hay Krakatoa). Nguồn: CNN
Volcanodiscovery dẫn lời quan chức của Cục Khí tượng Úc gọi hiện tượng núi lửa phun trào dưới biển gây sóng thần là vụ phun trào Surtseyan.
Vụ phun trào Surtseyan của núi lửa Anak Krakatau mạnh tới mức đã giải phóng cột tro bụi cao 16.764 mét lên không trung.
2. “Cơn ác mộng” những ngày cuối năm
Tờ Washington Post nhận định, thảm họa sóng thần khủng khiếp này xảy đến mà không có bất cứ cảnh báo nào đưa ra cho người dân vùng.
Tờ báo Mỹ này cho biết, đã nhiều tháng qua, núi lửa Anak Krakatau vẫn hoạt động và gây ra những tiếng ầm ầm không ngớt, phun ra những cột tro nóng lên không trung và những dòng nham thạch xuống biển.
Hơn 20 phút sau vụ phun trào mới nhất của Anak Krakatau, sóng thần ập đến, giết chết hàng trăm con người, khiến gần 1000 người bị thương và mất tích. Rất nhiều trong số họ là những người trước đó đang thưởng thức những bữa tiệc đêm dưới ánh trăng rằm ở vùng biển phía tây Indonesia.
Không ai được cảnh báo!
Hình ảnh núi lửa Anak Krakatau phun cột khói cao hàng chục nghìn mét lên không trung. Nguồn: Antara Foto/Reuters
Chính quyền Indonesia luôn cảnh giác với sóng thần sau bất kỳ hoạt động địa chấn nào tại một trong những khu vực dễ xảy ra động đất nhất thế giới. Tuy nhiên, trường hợp này lại khác.
David Applegate, Phó Giám đốc về các mối nguy tự nhiên tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại của Washington Post hôm 23/12 rằng sóng thần là bất thường vì nó không nằm trong số 90% nguyên nhân do một trận động đất gây ra. Nó có thể gây ra bởi hoạt động núi lửa dẫn đến một vụ lở đất dưới biển và do đó gây bất ngờ với các nhà địa chất, ông nói.
Nhân chứng kinh hãi kể lại với Washington Post rằng, một bức tường nước khổng lồ gầm lên, quét sạch mọi thứ trên đường đi của nó.
“Quái vật con” trỗi dậy từ quá khứ
Có thể ít ai biết rằng, núi lửa Anak Krakatau chính là “hậu duệ” của thảm họa núi lửa khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử loài người, mang tên: Núi lửa Krakatau.
Cách đây 135 năm, vào tháng 8/1883, núi lửa “cha” Krakatau (hay Krakatoa) phun trào, và gây ra vụ nổ có âm thanh được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử nhân loại (mạnh tới 200 deciben (dB) trong bán kính 20km). Âm thanh có thể hủy diệt thính giác của nhiều người gần tâm nổ ngay lập tức.
Sau vụ nổ, hàng triệu tấn nham thạch đổ xuống biển đã gây nên những cơn sóng thần khiến cho hàng nghìn người thiệt mạng.
Sức công phá khủng khiếp của nó tương đương với 200 triệu tấn thuốc nổ TNT, gấp 13.000 lần sức hủy diệt của quả bom nguyên tử mà Mỹ từng thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Ít nhất 36.000 người thiệt mạng sau thảm kịch tự nhiên khủng khiếp này, 165 thành phố và thị trấn gần đó bị phá hủy hoàn toàn, 132 ngôi làng bị tàn phá nghiêm trọng. Hàng chục nghìn người chết ngay tức khắc do bị biển dung nham nóng nhấm chìm.
TÍnh đến nay, hàng nghìn người thương vong sau vụ sóng thần ở Indonesia 2018. Nguồn ảnh: Winnipeg.citynews.ca
Dư chấn của vụ nổ đã tạo nên cơn sóng thần cao gần 30m đổ về 2 hòn đảo Java và Sumatra, cướp đi mạng sống của hàng nghìn người.
Năm 1927, phún thạch của núi lửa đã cho ra đời một hòn đảo mới có tên Anak Krakatau (còn gọi là “Đứa con của Krakatau”). Hòn đảo này có bán kính gần 2 km và cao hơn 200 m so với mực nước biển.
Nếu như núi lửa cha Krakatau phun trào cách đây 135 năm khiến gần 40.000 người thương vong, thì hậu duệ của nó, núi lửa con Anak Krakatau cũng gây nên thảm họa tự nhiên hiện tại đáng sợ!
Trang Ly- Helino/ Soha