Ông Trần Quốc Hương (Mười Hương) hoạt động cách mạng từ tiền khởi nghĩa, từng bị thực dân Pháp cầm tù, là cộng sự thân cận gần gũi cụ Hồ, tổng bí thư Trường Chinh và nhiều nhà lãnh đạo “khai quốc” khác.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Phó giám đốc Nha tình báo trung ương. Năm 1954, ông được cử vào Nam làm nhiệm vụ đặc biệt cùng với Xứ ủy Nam bộ tổ chức mạng lưới tình báo nhằm chuẩn bị thi hành hiệp định Geneve thống nhất đất nước.
Tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng những mạng lưới tình báo do ông tổ chức đã phát huy tác dụng đáng sợ đối với đối phương, khiến cho thế giới kinh ngạc và để lại sự ngưỡng mộ dài lâu trong dân chúng. Những nhà tình báo chiến lược huyền thoại như Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy… đều do ông trực tiếp phụ trách và chỉ đạo đường hướng trong thời gian đầu. Trong khi đường dây Vũ Ngọc Nhạ – Lê Hữu Thúy – Huỳnh Văn Trọng bị lộ gây chấn động chính trường Sài Gòn thì mãi nhiều năm sau năm 1975 người ta mới biết có những nhà tình báo lẫy lừng hơn mà trước đó không ai ngờ tới, như Phạm Xuân Ẩn và Phạm Ngọc Thảo.
Ông Mười Hương (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) cùng những nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy…
Ông Mười Hương giữ vai trò trọng yếu trong việc tổ chức hệ thống tình báo miền nam sau năm 1954. Xin nhắc lại, là tổ chức mạng lưới tình báo nhằm chuẩn bị thi hành Hiệp định Geneve, bởi vì nhiều tài liệu lịch sử, kể cả những tài liệu mật trước đây đều cho thấy Việt Nam dân chủ cộng hòa thành tâm muốn thống nhất đất nước bằng con đường hòa bình thông qua tổng tuyển cử tự do.
Vào tháng 9-1954, Bộ Chính trị ra một nghị quyết, trong đó xác định phương thức đấu tranh cách mạng ở miền nam phải chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị. Tôi có nhiều bằng chứng thực tế cho thấy, toàn bộ đảng viên Đảng Lao động Việt Nam ở lại miền Nam hoạt động đều không được phép trang bị vũ khí, người nào cố tình chống lệnh sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Trong thời gian này, ông Mười Hương được giao nhiệm vụ đại diện cho Nha Liên Lạc (cơ quan tình báo trực thuộc Thủ tướng phủ, còn gọi là Nha tình báo trung ương) được Trung ương Đảng giới thiệu và được Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giao nhiệm vụ vào gặp Trung ương Cục để truyền đạt chủ trương lập Ban Nghiên cứu Xứ ủy Nam bộ (cơ quan tình báo của Xứ ủy) và phương hướng nhiệm vụ trong tình hình mới. Ông còn có nhiệm vụ giúp Ban này về nghiệp vụ tình báo và huấn luyện công tác điệp báo cho các điệp viên và cán bộ của Ban.
Lúc giao nhiệm vụ cho ông Mười Hương, Tổng bí thư Trường Chinh cũng nói rõ : “Cuộc đấu tranh đòi địch phải thi hành Hiệp định Geneve là một cuộc đấu tranh gian khổ, gay go, phức tạp. Hiệp định có thể được thực hiện, cũng có thể không được thực hiện, tình báo phải tìm hiểu kỹ về địch để có căn cứ chính xác kết luận xem âm mưu ý đồ của địch có chịu thi hành Hiệp định hay không và sau 2 năm có tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước hay không”.
Khi Ban Nghiên cứu Xứ uỷ thành lập, ông Mười Hương được chỉ định tham gia lãnh đạo Ban, trực tiếp phụ trách các lưới tình báo chính trị đi sâu vào các cơ quan đầu não của chế độ Sài Gòn, các lưới tình báo kinh tế, đồng thời thay mặt cơ quan tình báo trung ương chỉ đạo một số lưới tình báo chiến lược.
Từ năm 1954 đến năm 1957, dù rất khó khăn do bị địch thường xuyên đánh phá, nhưng nhiều lưới tình báo đã hình thành, giao thông liên lạc tương đối thông suốt giữa các cơ quan tình báo trung ương với cơ quan tình báo xứ uỷ và các lưới tình báo với cơ quan chỉ huy.
Vào tháng 6 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định sát nhập Nha Liên lạc với Cục Quân báo thành Cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu. Đó là cơ quan tình báo chiến lược của quốc gia. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phân công phụ trách ngành tình báo chiến lược, ông nói: “Tổ chức là như vậy, nhưng nhiệm vụ của nó là nhiệm vụ chiến lược toàn diện, không thu hẹp trong lĩnh vực quân sự”.
Kể từ đây mạng lưới tình báo chiến lược được chỉ đạo thống nhất. Ông Mười Hương được giao phụ trách khối điệp báo chủ yếu của Xứ uỷ và 4 lưới tình báo chiến lược của trung ương. Từ năm 1955, do từ miền bắc vào ít người biết nên ông Mười Hương đã vào hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn để trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các lưới tình báo.
Các hoạt động phản gián của cơ quan mật vụ của anh em ông Ngô Đình Diệm thật đáng gờm. Từ cuối năm 1957, một loạt điệp viên bị bắt, bắt đầu từ một số giao liên ở Thừa Thiên Huế bị bắt không giữ được khí tiết đã khai ra, khiến cho các mạng lưới bị đổ vỡ dắt dây, gây ra sự khủng hoảng trầm trọng uy hiếp cơ quan tình báo Xứ uỷ.
Tuy Cục Tình báo Trung ương sớm biết một số người bị bắt đã khai báo, nên đã điện vào chỉ thị phải lấy việc bảo vệ lực lượng làm chính, cắt liên lạc với trung ương, nếu thấy bị theo dõi thì phải tạm ngừng hoạt động. Nhưng khi điện vào thì ông Mười Hương đã vào Sài Gòn, bức điện sau đó mới chuyển được cho ông nhưng đã muộn.
Ông Mười Hương bị bắt ngày 13-6-1958, do một điệp viên bị bắt đầu hàng đưa địch đến bắt ông. Dù ông bị bắt, nhưng theo biên niên sử của tình báo quốc phòng thì “đồng chí Mười Hương giữ được khí tiết, bảo vệ được tất cả những bí mật mà đồng chí đã biết về Nha Liên lạc, Ban Nghiên cứu Xử uỷ cũng như lực lượng của Xứ uỷ”.
Tuy nhiên, do sự khai báo của người khác, nên sau khi ông bị bắt, một số mạng lưới do ông tổ chức cũng bị vỡ, chỉ bảo tồn được những mạng lưới quan trọng nhất, trong đó có Phạm Ngọc Thảo và Phạm Xuân Ẩn, do hoạt động đơn tuyến không dính dáng đến các đường dây liên lạc.
Chỉ trong vòng 1 năm, tổng lực lượng điệp báo bị phá khoảng 100, nếu kể cả cán bộ và giao thông viên thì con số lên tới 140, đại bộ phận do đặc vụ miền trung của Ngô Đình Cẩn bắt hoặc chuyển mục tiêu cho an ninh quân đội bắt những điệp viên của ta nằm trong quân đội. Cơ quan Ban nghiên cứu Xứ uỷ phải chuyển sang Campuchia, phải mất một thời gian rất lâu, với rất nhiều kỳ công, cơ quan tình báo miền mới khôi phục và phát triển được lực lượng để góp phần làm xoay chuyển thời cuộc.
Hệ thống nhà tù và trại thẩm vấn Việt Nam cộng hòa dưới chế độ ông Ngô Đình Diệm rất tàn khốc, hồi nhỏ tôi cũng rợn tóc gáy khi có nghe những câu chuyện do các cô chú trong làng từng bị bắt kể lại. Nhưng đó chỉ là một phần của sự thật. Còn có những sự thật khác nữa, do các nhà tình báo cung cấp “từ trong lòng địch”, nhưng vì những thông tin từ họ không được đưa lên truyền thông, bởi vậy người dân chỉ biết thông tin qua báo chí, cả báo chí Sài Gòn trước năm 1975 và báo chí cách mạng sau năm 1975, qua những bài học lịch sử trong nhà trường và qua những câu chuyện kể như tôi đã từng nghe.
Nếu như đối phương chỉ là những kẻ bất tài và gian ác như truyền thông và sách dạy lịch sử mô tả, thì chiến thắng của cách mạng đâu có giá trị lớn lao?
Trước đây có tài liệu viết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Hương bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam ở khu biệt giam Chín Hầm, nơi được coi là địa ngục trần gian ở Huế. Người ta bảo ông bị các cai ngục của Ngô Đình Cẩn tra tấn vô cùng man rợ. Trong lần gặp ông để viết về Phạm Xuân Ẩn và Phạm Ngọc Thảo, tôi hỏi ông có chuyện đó không, ông trả lời là ông có bị giam ở Huế nhưng bị tra tấn thì không.
Ông Mười Hương kể, trong thời gian ông bị giam, Ngô Đình Nhu có đến gặp ông. Cuộc gặp này có mặt Ngô Đình Cẩn. Theo ông Mười Hương thì vừa gặp ông, Ngô Đình Nhu nói ngay : “Cộng sản các anh ác lắm. Họ Ngô của tôi suýt nữa thì tuyệt tự…”. Ông Mười Hương nói : “Nhưng cụ Hồ đã không làm khó cho ông Ngô Đình Diệm…”. Ngô Đình Cẩn nói chen vào : “Đúng rồi, cấp trên của các anh thì rất tốt, làm bậy chỉ có cấp dưới thôi”. Ngô Đình Nhu cũng tán thành với ý kiến của Ngô Đình Cẩn.
Mục đích cuộc gặp tại Chín Hầm là nhằm đấu trí để biết người biết ta thôi, không hề có chuyện thuyết phục “quy hàng”, vì cả ông Nhu và ông Cẩn đều biết rõ ông Mười Hương là ai, tư cách như thế nào.
Nhưng vì cuộc gặp không mong muốn đó mà sau này ông Mười Hương đã bị một số đồng chí của mình làm khó dễ. Có người còn bảo “nó gặp ông để làm gì, để tuyên truyền cách mạng cho ông à ?”. Nhờ các đồng chí cấp trên cao nhất hiểu được sự quang minh chính đại của ông nên ông không bị làm sao, mới có thể lên làm tới chức Bí thư Trung ương Đảng. Mặc dù tất cả các tài liệu của địch cũng như các tài liệu tình báo của ta đều khẳng định ông kiên trung bất khuất, nhưng phải có ông Lê Đức Thọ đứng ra bảo vệ tư cách cho ông, nên ông mới bình an vô sự.
Tướng Phạm Xuân Ẩn từng nói với tôi, trong mấy anh em ông Diệm thì ông Cẩn là người giỏi nhất, nếu ông Diệm ông Nhu mà nghe lời ông Cẩn thì chế độ ông Diệm đã không sụp đổ.
Việc phá vỡ mạng lưới tình báo của ta trong những năm 1957-1958 cũng chứng tỏ Ngô Đình Cẩn tài giỏi như thế nào. Trong nhà tù của Ngô Đình Cẩn tất nhiên là có tra tấn, nhưng không đến mức như sách báo mô tả. Ông Ẩn nói phần lớn cán bộ cách mạng bị bắt đều được Ngô Đình Cẩn thả ra. Đó là thủ đoạn đánh phá cách mạng hữu hiệu vô song, bởi vì một cán bộ bị bắt được thả thì không những khiến cho tổ chức các mạng không tin vào người cán bộ đó mà cả đường dây của người cán bộ cũng bị chính cách mạng vô hiệu hoá.
Thực tế cho thấy, những cán bộ bị bắt mà vô cớ được thả ra không thể chứng minh với tổ chức vì sao mình được thả và phần lớn không được tin dùng nếu không có người bảo lãnh. Nhưng đối với ông Mười Hương thì anh em ông Diệm không thể thả được, thả ông là thả hổ về rừng.
Phải đến sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ vào cuối năm 1963, lợi dụng tình hình rối ren trên chính trường miền nam, nội bộ chế độ bị phân hoá với những mâu thuẫn sâu sắc, một loạt nhân sự trong cơ quan mật vụ bị thay thế, Cục Tình báo trung ương cùng với cơ quan tình báo miền mới tìm cách vận động, lo lót tiền bạc để ông Mười Hương và 16 cán bộ điệp báo khác được chính quyền Sài Gòn trả tự do.
Đến ngày 18-5-1964, ông Mười Hương được thả. Ông vẫn ở lại Sài Gòn để gặp một số đầu mối quan trọng, dặn dò và thống nhất các quy ước móc nối với tổ chức, đến tháng 7 năm đó ông mới ra vùng giải phóng. Khi chính quyền Sài Gòn phát hiện thả ông là thả nhầm, liền tổ chức truy bắt lại thì ông đã ra được An toàn khu rồi. Năm 1965 ông ra Bắc chữa bệnh, sau đó về công tác tại Bộ Công an. Năm 1969, ông mới vào Nam tham gia lãnh đạo an ninh miền và từ năm 1972 làm Thường vụ Khu uỷ Sài Gòn-Gia định.
Trong những nhà tình báo do ông Mười Hương tổ chức hoạt động từ đầu, có lẽ ông thương nhất là Phạm Ngọc Thảo. Trong những lần nói chuyện với tôi, khi nhắc đến Phạm Ngọc Thảo ông đều khóc nức nở như một đứa trẻ.
Ông bảo khi phim “Ván bài lật ngửa” được chiếu, ông gọi điện cho ông Trần Độ (lúc đó là là Trường ban Văn hoá văn nghệ Trung ương) đề nghị không chiếu phim đó, vì Phạm Ngọc Thảo chính là nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim, mà vợ con ông Thảo thì đang ở Mỹ, ông sợ người Mỹ làm khó dễ vợ con ông Thảo khi biết ông Thảo là người của cách mạng. Đó cũng là lý do ông Thảo chậm được phong anh hùng và thừa nhận công khai.
Phạm Ngọc Thảo là một trường hợp rất đặc biệt trong hoạt động tình báo. Ông Thảo không phải là điệp viên cung cấp tin tức hay hoạt động phản gián, được Bí thư Xứ uỷ Lê Duẩn trực tiếp giao nhiệm vụ ở lại vào Sài Gòn hoạt động nhằm “phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước”.
Trước khi ra Bắc, ông Lê Duẩn giới thiệu ông Thảo với ông Mai Chí Thọ, người phụ trách an ninh tình báo Nam bộ lúc đó để yêu cầu sắp xếp bố trí đưa ông Thảo vào Sài Gòn hoạt động. Do ông Mai Chí Thọ là nhà lãnh đạo có nhiều người biết, nên ông Thọ bàn giao ông Thảo cho ông Mười Hương.
Phạm Ngọc Thảo lúc đó đã là cán bộ cao cấp của kháng chiến, từng là Trưởng phòng Mật vụ Nam bộ, tất nhiên không phải là một “học trò” do ông Mười Hương dẫn dắt. Ông Hương là người “chỉ huy” ông Thảo nhưng chỉ truyền đạt đường hướng, thống nhất quan điểm, phương thức, nguyên tắc hoạt động và giữ liên lạc khi cần thiết, còn mọi hoạt động đều do ông Thảo tự định đoạt. Giữa họ đã nhanh chóng tâm đầu ý hợp.
Ông Mười Hương và Phạm Ngọc Thảo đều thống nhất với nhau: Nếu không thừa nhận anh em Ngô Đình Diệm là những người yêu nước theo cách của họ, nếu không thừa nhận họ là những người có tinh thần dân tộc, muốn xây dựng một chế độ quốc gia không cộng sản, thì Phạm Ngọc Thảo khó mà dám “ngửa bài”.
Ông Mười Hương cho rằng, thực tế Ngô Đình Diệm luôn mơ ước có những trí thức yêu nước có tầm cỡ bên cạnh mình, như cụ Hồ có những người như ông Hoàng Minh Giám bên cạnh. Cần biết Ngô Đình Diệm nổi tiếng chống cộng, nhưng Ngô Đình Diệm trong thâm tâm bao giờ cũng nể phục cụ Hồ và chưa bao giờ dám xúc phạm đến cụ Hồ.
Sau khi thống nhất quan điểm với ông Mười Hương, Phạm Ngọc Thảo không giấu cái lý lịch kháng chiến ai cũng biết của ông, nhưng ông không “hồi chánh” để “trở về với chính nghĩa quốc gia” như một số người, vì làm như vậy là biến mình thành một “thây ma”, là tự vô hiệu hóa vai trò của mình.
Ngược lại, ông không những chủ động công khai cái lý lịch kháng chiến đó mà còn công khai tự hào về quãng đường mình đã theo Việt Minh chống Pháp. Để tiếp cận với gia đình họ Ngô, nguồn gốc trí thức Công giáo đã đành là một lợi thế, nhưng chưa đủ. Ông đã dùng “ván bài lật ngửa” – khôn ngoan biến cái lý lịch kháng chiến thành một lợi thế thứ hai, lợi hại hơn. Và Phạm Ngọc Thảo đã “tàng hình” bằng việc công khai tự hào về cái lý lịch kháng chiến của mình.
Thực tế cho thấy nhận định của ông Mười Hương và ông Phạm Ngọc Thảo là đúng. Bởi vậy, khi làm Tỉnh trưởng Bến Tre, ông Thảo đã thả 2000 tù chính trị và tuyên bố đây là chính sách thân dân của Ngô Tổng thống. Cơ quan an ninh của ông Diệm báo lên ông rằng Phạm Ngọc Thảo chính là Việt cộng mới có hành động như vậy, nhưng ông Diệm không những không nghe mà còn khen ngợi ông Thảo, bảo các tỉnh nên học tập và làm theo ông Thảo. Sự kiện này do cơ quan tình báo miền ghi lại. Nếu như ông Thảo không tin ông Diệm tán thành hành động của mình thì Phạm Ngọc Thảo đã chết từ lúc đó rồi.
Ông Mười Hương và ông Phạm Ngọc Thảo đã đánh giá đúng tầm cỡ của đối thủ, nếu đánh giá thấp thì các nhà tình báo của ta không thể chui sâu trèo cao vào cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn được.
Đại tá Phạm Ngọc Thảo (kính đen) trong ngày ông cùng Lâm Văn Phát cầm đầu đảo chánh ngày 19-2-1965.
Là một nhà cách mạng chuyên nghiệp, ông Mười Hương hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc tranh thủ sự ủng hộ của các giáo sĩ và đồng bào theo đạo Công giáo trong sự nghiệp đoàn kết chống ngoại xâm. Điều này ông đã học từ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trực tiếp chứng kiến hành động của cụ Hồ đối với đạo Công giáo khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đức cha Lê Hữu Từ là vị giám mục chống cộng khét tiếng ở Bùi Chu-Phát Diệm, nhưng khi ông được Giáo hoàng Pio XII (cũng là vị giáo hoàng chống cộng rất mạnh) tấn phong Giám mục vào tháng 6-1945, vào lễ tấn phong tháng 10-1945, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã cử phái đoàn gồm ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và cựu hoàng Bảo Đại đến dự lễ và chúc mừng, đồng thời gửi thư chúc mừng của cụ Hồ đến giám mục Lê Hữu Từ.
Ông Mười Hương kể, vào tháng 2-1946, cụ Hồ đã đích thân đến Tòa giám mục mời đức cha Từ làm “cố vấn tối cao Chính phủ”. Đức cha Từ nhận lời và trở thành một trong hai người giữ chức vụ này trong Chính phủ lâm thời, người kia là cựu hoàng Bảo Đại.
Khi bước chân vào cổng Tòa Giám mục, cụ Hồ đã nhìn thấy Bí thư huyện ủy Kim Sơn bị tự vệ của giáo phận bắt mang ra đánh chết ngay trước mặt nhằm “thị uy” cụ Hồ. Cụ Hồ chỉ khựng lại một lát rồi đi tiếp vào Tòa giám mục. Ông Mười Hương nói, khi về có nhiều người bức xúc, nhưng cụ Hồ nói, các chú tưởng tôi không đau sao, tôi đau lắm chứ, nhưng không thể không mời Lê Hữu Từ, vì dưới ông ta là hàng triệu giáo dân, không mời ông ta thì rất khó thuyết phục đồng bào theo đạo Công giáo tham gia cứu quốc và kiến quốc.
Khi hoạt động tình báo ở miền Nam, ông Mười Hương đã tận dụng triệt để vai trò của của các giáo sĩ đạo Công giáo để che chở, bảo vệ các nhà tình báo của mình, điển hình là nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo và Vũ Ngọc Nhạ.
Những nhà tình báo này không lợi dụng đạo Công giáo để phá đạo hay gây hại cho đạo, họ thuyết phục các giáo sĩ bằng sự thành tâm đối với đạo và bằng cuộc đời chính trực nhân nghĩa của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi Phạm Ngọc Thảo bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu sát hại, các vị linh mục, giám mục vẫn bảo vệ đến cùng tư cách chính trực của ông. Theo tôi được biết thì ngay cả khi biết Phạm Ngọc Thảo là người của phía bên kia, các vị giáo sĩ yêu mến ông vẫn không hề thất vọng về ông.
Đại tá Phạm Ngọc Thảo (kính đen) trong ngày ông cùng Lâm Văn Phát cầm đầu đảo chánh ngày 19-2-1965.
Điều trớ trêu là, nếu như Nguyễn Văn Thiệu biết chắc Phạm Ngọc Thảo là “Việt cộng” thì ông Thảo có thể không chết, vì nhiều cán bộ cấp cao bị bắt và bị đày ra Côn đảo chứ có bị giết đâu. Do không tin Phạm Ngọc Thảo là “Việt cộng” nên khi thấy ông Thảo được hàng giáo sĩ cao cấp hậu thuẫn, Nguyễn Văn Thiệu mới thấy ông Thảo là một đối thủ chính trị có thế lực đáng gờm, phải giết đi để trừ hậu họa.
Đọc lại những tài liệu về lịch sử ngành tình báo kháng chiến tôi thấy một chi tiết rất thú vị. Tại hội nghị cán bộ tình báo vào tháng 6 năm 1951, do Nha Liên lạc tổ chức, lúc đó ông Mười Hương là Phó Giám đốc Nha này, có nhấn mạnh một vấn đề có tính nguyên tắc: Trong hoạt động nghiệp vụ tình báo, không lấy tiền bạc, danh vị hay lợi lộc làm thủ đoạn mua chuộc, không kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi và anh hùng cá nhân, không sử dụng mỹ nhân kế. Tư tưởng quang minh chính đại đó thấm nhuần trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của ông Mười Hương và các nhà tình báo anh hùng của nước ta.
Các nhà tình báo chiến lược anh hùng của chúng ta ai cũng quang minh chính đại, họ chỉ báo cáo đúng sự thật, không ai báo cáo theo khẩu vị của cấp trên. Họ không màng danh lợi địa vị nên không ai sợ sau khi hòa bình sẽ bị đồng chí mình soi mói gây bất lợi cho con đường tiến thân. Và họ thật may mắn khi hoạt động trong một thời kỳ mà cấp trên của họ cũng quang minh chính đại. Riêng ông Mười Hương, dù sau khi hòa bình ông giữ nhiều trọng trách, cao nhất là Bí thư Trung ương Đảng, nhưng ông cũng không màng danh lợi, ông coi chức vụ địa vị nhẹ tựa lông hồng.
Theo Tri thức trẻ