Thẩm phán Trương Việt Toàn – phó chánh tòa hình sự Tòa án ND TP Hà Nội – khẳng định HĐXX tuyên án ông Đinh La Thăng và đồng phạm dựa trên hồ sơ vụ án, diễn biến tại tòa, không chịu sức ép nào.
Thẩm phán Trương Việt Toàn – Ảnh: THÂN HOÀNG
Phiên tòa không có gì đặc biệt khác, bởi lẽ dù các bị cáo đều có chức vụ, quyền hạn nhưng nguyên tắc là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. HĐXX đã xem xét toàn diện quá trình cống hiến của các bị cáo để đưa ra mức án nghiêm minh nhất và đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.
Thẩm phán Trương Việt Toàn
Thẩm phán Trương Việt Toàn – thành viên HĐXX phiên tòa vụ án tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu (khí PVC) – trao đổi với báo chí sau khi tòa tuyên án sáng nay 22-1.
Ông cho biết đa số bị cáo trong vụ án này đều có chức vụ, quyền hạn, từng giữ trọng trách cao trong cơ quan nhà nước, vì thế tinh thần trách nhiệm của HĐXX đặc biệt nâng cao.
Sức ép lớn nhất là thời gian
* Thưa thẩm phán, HĐXX có chịu sức ép gì trong phiên tòa xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm hay không?
– HĐXX không chịu sức ép gì ngoài sức ép về mặt thời gian. Do theo chỉ đạo chung, thời gian hồ sơ vụ án từ khi chuyển sang tòa đến khi xét xử tương đối ngắn, HĐXX đã phải tập trung nghiên cứu hồ sơ không có ngày nghỉ, từ sáng đến 8-9h tối kể cả ngày mùng 1 Tết Dương lịch.
Tuy nhiên áp lực đấy cũng được hạn chế đi rất nhiều bởi sự phối hợp rất tốt giữa các cơ quan nội chính trung ương, đặc biệt khi có kết thúc điều tra các điều tra viên đã chủ động sao chụp hồ sơ chuyển cho thẩm phán nghiên cứu. Sự phối hợp giữa tòa án với các cơ quan tố tụng trung ương đặc biệt tốt.
Ngoài ra còn một nguyên tắc nữa là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, HĐXX cũng tuân theo quy định của pháp luật, không chịu sức ép nào.
* Ông đánh giá thế nào về sự thành khẩn của bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm? Khi đưa ra mức án HĐXX có xem xét đến công trạng của các bị cáo khi còn đương chức?
– Trong suốt quá trình nghiên cứu hồ sơ, có một số bị cáo chưa thực sự thành khẩn nhưng khi ra phiên tòa, do cách thẩm vấn của HĐXX, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội và thể hiện sự ăn năn. Sự ăn năn này dù hơi muộn màng một chút.
Cũng phải nhìn ở góc độ quản lý, do thiếu sự giám sát kiểm tra nên các bị cáo giữ chức vụ tự cho mình quyền hành xử không phù hợp pháp luật nhưng khi ra phiên tòa các bị cáo hiểu được việc hành xử như vậy thì hệ quả một ngày tất yếu các bị cáo phải vào vòng lao lý nên các bị cáo ăn năn.
Suốt quá trình xử án, HĐXX đã lắng nghe ý kiến trình bày của các bị cáo cũng như luật sư, đại diện Viện kiểm sát. Khi lượng hình, HĐXX cũng xem xét đến nhân thân, thành tích của các bị cáo.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa sáng 22-1 – Ảnh: TTXVN
Thất thoát tiền nhà nước thường xuất phát từ người đứng đầu
* Cá nhân ông thấy còn điều gì phải suy nghĩ sau vụ án này?
– Thông qua vụ án này cũng như một số vụ án tham nhũng gần đây, đối với tôi, với tư cách là một thẩm phán, tôi cực kỳ tâm huyết với câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là bất kỳ một tổ chức, cơ quan đoàn thể nào, yếu tố con người mang tính quyết định.
Các vụ án gần đây mang yếu tố lãnh đạo. Người lãnh đạo thiếu phát huy dân chủ, độc đoán, không chỉ để bản thân sai phạm mà còn kéo theo nhiều người ở dưới. Xem xét công tác cán bộ then chốt nhất là con người.
Thứ hai là công tác kiểm tra giám sát các ngành, các tổ chức doanh nghiệp rất quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Sự thất thoát tiền của nhà nước có xuất phát điểm có lẽ ngay từ người đứng đầu. Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa.
* Vậy đâu là bài học rút ra trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước?
– Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là thời gian gần đây Đảng và Nhà nước thể hiện sự quyết tâm cao độ. Các vụ án được kịp thời đưa ra xét xử cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh với những người có ý định xâm phạm tài sản của nhà nước và thực hiện hành vi tham nhũng.
Tuy nhiên thời gian gần đây các hiện tượng tiêu cực tham nhũng làm dư luận xã hội rất bức xúc. Đảng và Nhà nước đã nhìn thẳng vấn đề đó và rất quyết liệt huy động toàn bộ hệ thống chính trị để đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng.
Việc này đã đem lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước và cũng thể hiện thượng tôn pháp luật của nhà nước.
– Những đổi mới theo tinh thần cải cách tư pháp được áp dụng trong phiên tòa này như nào thưa ông?
Phiên tòa này là một trong những phiên tòa được áp dụng theo Bộ luật Tố tụng hình sự mới với những điểm mới như bị cáo không phải đứng trước vành móng ngựa, Viện kiểm sát và luật sư ngồi ngang hàng nhau.
Hai nguyên tắc suy đoán vô tội và công ước quốc tế về quyền con người được thể chế hóa rất rõ. Trước đây các phiên tòa vẫn đảm bảo quyền tranh tụng nhưng nay Bộ luật Tố tụng hình sự mới đã cụ thể sâu hơn.
Việc triệu tập các điều tra viên, HĐXX có thể triệu tập tới tòa nhưng lưu ý điều tra viên triệu tập tới khi cần thiết làm rõ hành vi tố tụng của điều tra viên và các quyết định tố tụng còn chứng cứ, lời khai là nhận thức.
Luật sư Phan Trung Hoài: HĐXX đã xem xét đến phần trình bày của ông Thăng
Không tham gia buổi tuyên án đối với thân chủ của mình là ông Đinh La Thăng, nhưng khi nhận được thông tin về mức án 13 năm tù đối với ông Đinh La Thăng, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, như vậy mức án là thấp hơn so với mức án đề nghị của Viện kiểm sát.
“Điều đó cho thấy HĐXX đã xem xét đến những điều ông Đinh La Thăng trình bày tại phiên tòa về trách nhiệm của ông Thăng và bối cảnh, hoàn cảnh xảy ra những sai phạm. Đồng thời, HĐXX cũng đã đánh giá và ghi nhận những kiến nghị và bào chữa của luật sư”, luật sư Hoài nói.
“Cá nhân tôi thấy rằng, dù còn một số điểm còn nhiều tranh cãi như đánh giá về thiệt hại của vụ án, nhưng bản án tuyên như vậy là đã có xem xét đến các đóng góp của ông Thăng trong quá trình công tác”.
Theo Tuổi trẻ