Thứ tư, Tháng Một 15
Shadow

Thầy Park vẫn là “phù thủy”, nhưng đừng để “chiếc đũa phép” bị tước đi oan uổng

Dưới thời HLV Park Hang-seo, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam trải qua một trận đấu ảm đạm đến nhường ấy. Nhưng đó là điều cần thiết để tắt đi ảo tưởng, trước khi quá muộn. 

1. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo, có tiết lộ rằng thầy Park và ê kíp Hàn Quốc tính toán, lên kế hoạch cực kỳ chi tiết cho các giải đấu mà mình cầm quân: “Ông Park rất chi tiết, chi tiết cực kỳ chi tiết. Họ chuẩn bị đến cả cái lịch là một tháng sau ở Thường Châu tuyết có rơi hay không. Khi đó tuyết có rơi thì chúng ta sẽ tập buổi gì“.

Thực ra chỉ cần có chút chuyên môn, thì người xem cái clip ấy cũng đã có đủ lý do để cười lăn lộn, vì rõ ràng đây là câu chuyện bịa. Thứ nhất, cái dự đoán thời tiết một tháng sau có tuyết không đã khá bất khả thi. Nhưng quan trọng nhất là ít nhất phải lọt đến trận bán kết giải U23 châu Á 2018, thì thầy trò HLV Park Hang-seo mới có cơ hội đá ở Thường Châu.

Dẫu cho chỉ là câu chuyện gây cười, nhưng cái sự thật rằng nhà cầm quân người Hàn Quốc tính xa, chuẩn bị cực kỳ chi tiết cho các giải đấu mà ông cầm quân tham gia là có thật. Không chỉ mình thầy Park, mà cả ê kíp sát cánh cùng ông từ giải đấu đầu tiên trên đất Trung Quốc, đến tận hôm nay cũng cho thấy sự chu đáo về mặt chuẩn bị của mình.

Nhưng trận đấu với U23 Indonesia trên Mỹ Đình, dễ dàng thấy đoàn quân của HLV Park Hang-seo không có được sự chuẩn bị ấy. Lần đầu tiên kể từ khi đến Việt Nam, người ta thấy ông lúng túng, bất lực đến như thế trước các học trò của mình. U23 Việt Nam vẫn kiếm đủ 3 điểm, vẫn toàn thắng, nhưng những gì họ thể hiện cho thấy những gì là kim chỉ nam trong cách chỉ đạo của thầy Park đang bị lung lay dữ dội.

Sau trận thua, HLV U23 Indonesia thú nhận rằng đội bóng của ông dù muốn, cũng không dám chơi tấn công trước U23 Việt Nam, vì mặc định rằng dưới tay thầy Park, bất cứ đội bóng nào cũng sẽ chơi phòng ngự – phản công cực hay. Chủ động tấn công, để rồi rơi vào bẫy mà “phù thủy” Park Hang-seo giăng ra, mặc định là phải nhận lấy thất bại. Nhiều đội bóng mạnh đã “dình đòn”, chứ đâu chỉ những đội làng nhàng. Nhưng HLV U23 Indonesia đã nhầm.

Ông nhầm, bởi ngay chính bản thân các tuyển thủ U23 Việt Nam của HLV Park Hang-seo cũng nhầm. Họ ảo tưởng vào năng lực bản thân, ảo tưởng vào đoàn quân của thầy Park “đánh đâu thắng đó”, để rồi dồn lên hòng “hạ gục nhanh” đối thủ như cái cách mà U23 Thái Lan từng làm trước đó hai ngày. Đáng tiếc, họ không phải là U23 Thái Lan, và nếu như gặp phải U23 Thái Lan hôm qua, có lẽ Quang Hải và các đồng đội đã phải cúi mặt vì thất bại.

Xem thêm  Bí mật phòng thay đồ Olympic Việt Nam sau chiến thắng Syria

Indonesia sợ. Nhưng thay vì “để yên cho người ta sợ”, U23 Việt Nam đẩy trận đấu lên một nhịp, đẩy năng lực bản thân mình “lên một nhịp”, để bắt kịp với sự kỳ vọng “đá như U23 ở Thường Châu”.

Vẫn những đường chuyền ngắn từ sân nhà, vẫn những pha xuống biên như Văn Hậu, Văn Thanh, Trọng Hoàng, Văn Đức, nhưng sự hạn chế về năng lực – cả cá nhân lẫn sự phối hợp ăn ý, đã biến những đường chuyền ấy thành loạn nhịp, “ném đá vào chân đồng đội”, những đường xuống biên thay vì căng ra tìm đúng địa chỉ, thành những đường tạt bổng khiến Đức Chinh phải loay hoay đến tội nghiệp.

Hoàng Đức đáng khen nhất trong trận đấu với U23 Indonesia, nhưng thực ra những pha đi bóng đầy nỗ lực, những cú sút của tiền vệ trẻ này đều có điểm chung: vô hại. Đức Chinh bị chê trách trong trận đấu ấy rất nhiều, nhưng có lẽ người ta trách oan tiền đạo người Phú Thọ này, bởi với những cú “ném bóng vào đầu” như thế, trung phòng này khó lòng có thể làm gì “ra tấm ra món”.

2. Dự tính đến cả “tuyết Thường Châu”, liệu HLV Park Hang-seo có tính đến diễn biến các cầu thủ trẻ “phá” lối chơi mà mình áp đặt cho họ không? Dĩ nhiên là có, và thậm chí với riêng ông, có lẽ đấy là “nốt trầm” cần thiết, để không chỉ bản thân các cầu thủ, mà cả người hâm mộ, VFF nhìn ra vấn đề thực chất của bóng đá Việt Nam.

Vấn đề thực chất của lứa U22 này không hẳn là tập trung muộn, ít có thời gian tập với nhau như HLVPark Hang-seo nói suốt từ trước giải đến giờ. Điều ông nói chỉ là phần nổi của tảng băng. Lịch thi đấu đã có từ rất lâu, chỉ cần nhà cầm quân người Hàn yêu cầu, VFF quan tâm, mọi thế sẽ nhanh chóng được giải quyết rốt ráo.

Nhưng ông Park “kêu”, thì liệu có được “đáp” hay không? Chưa chắc. Cứ nhìn vào việc rốt cuộc ông phải kiêm nhiệm cả ĐTQG lẫn U23 Việt Nam thì biết. Dù có là anh hùng hay “phù thủy”, thì ông vẫn là người làm thuê, và quyền quyết định vẫn thuộc về những người thuê ông.

Không biết bao nhiêu lần, HLV người Hàn Quốc này hết bóng gió xa xôi, đến nói thẳng rằng bóng đá Việt Nam kém nhất là khâu đào tạo trẻ, và bóng đá trẻ sẽ là “gót chân Achiles” của nền bóng đá này.

Xem thêm  CĐV Việt Nam tấn công sập facebook được cho là cầu thủ số 11 bên phía U23 Uzbekistan

Vì sao U23 Việt Nam hôm nay lại kém hơn “hôm qua”. Chẳng khó để nhìn ra, là bởi không phải tự nhiên trong bóng đá, nhất là bóng đá Việt Nam, có khái niệm “lứa cầu thủ”. Cứ một lứa ngon, là đến một lứa gây thất vọng. Liệu Thành Chung ở CLB Hà Nội có cơ hội trước Duy Mạnh, Đình Trọng? Liệu Thái Quý “có cửa” so với Quang Hải và dàn tiền vệ “hàng khủng” của CLB Hà Nội?

Những gì ông Park nói trong cuộc họp báo sau trận là đúng. Những cầu thủ hiện tại của ông – trừ những cầu thủ đã dạn dày từ Thường Châu và có mặt trong ĐTQG, rất ít những cầu thủ được ra sân thường xuyên ở CLB như Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường hay Phan Văn Đức, Đình Trọng…

Điều cần thiết lúc này, không phải chỉ là cho các cầu thủ trẻ môi trường để cọ sát, để trui rèn, mà còn là việc nhấc khỏi lưng họ thành công của các đàn anh, nhấc ra khỏi lưng họ, và cả HLV Park Hang-seo áp lực về tấm huy chương vàng SEA Games “phải đoạt cho bằng được”, bởi cứ nhìn vào Thái Lan, mới thấy nền bóng đá chúng ta chưa thể nâng tầm chỉ bằng những thành công trước mắt.

Tuần qua, ĐTQG Thái Lan thắng Trung Quốc ngay trên đất sân khách, U19 Thái Lan thắng U19 Trung Quốc ở Nha Trang, còn trên Mỹ Đình, U23 Thái Lan khiến U23 Indonesia phải cúi gằm mặt bởi trận thua đến 0-4 đầy thuyết phục. Trong khi đó, ở FIFA Day – cơ hội để các ĐTQG giao hữu, thì bóng đá Việt Nam tập trung tất cả cho U23.

Gặp U23 Thái Lan trong trận đấu cuối cùng, thầy trò HLV Park Hang-seo không được phép thua, nếu không muốn búa rìu dư luận đổ ập xuống đầu. Nhưng xét cho cùng, dẫu cho chúng ta đang là Á quân châu Á đi nữa, thì đây cũng chỉ đơn thuần là một giải đấu trẻ, như SEA Games, và mỗi năm lại là một lứa cầu thủ khác nhau. Đấy không phải là thước đo giá trị cho sự phát triển của một nền bóng đá.

Thua U23 Thái Lan để rồi bị loại, với phần đông người hâm mộ Việt Nam sẽ là một thảm họa. Nhưng với HLV Park Hang-seo, có lẽ đấy lại là một sự giải thoát, để tiếng nói của ông được tôn trọng hơn, để nhưng tính toán cho nền bóng đá này của ông được lắng nghe hơn. Bởi dẫu có là “phù thủy”, thì ông cũng chẳng thể làm gì khi bị tước đi “cây đũa thần”, khi chỉ đóng vai trò “kẻ làm thuê”, thay vì nhà điều hành cho chiến lược bóng đá Việt Nam.

Theo  Trí thức trẻ/soha

Link