Công ơn của bố mẹ đối với con cái chính là tấm vé 1 chiều, rõ ràng biết càng đi càng xa nhưng họ vẫn mỉm cười bước tiếp.
Ngày 25/11/2018, trước lúc lâm chung, một ông cụ ở Thượng Hải đã lập di chúc ngay tại bệnh viện:
Tôi để cho con gái Ngô X X 1 NDT (3.500 VNĐ), còn toàn bộ tài sản bao gồm một căn hộ và số tiền tiết kiệm 800.000 NDT (2,8 tỷ VNĐ) dành cho cô Trần.
Cô Trần này là ai? Đó là người mà con gái đã thuê đến chăm sóc ông 3 tháng trước.
Đọc xong câu chuyện, rất nhiều bậc cha mẹ đã lặng đi. Liệu có ngày đứa con yêu càng lớn lại càng xa cách, rồi dần dần biến mất hay không?
Tình cha ấm áp như vầng thái dương nhưng…
Câu chuyện của cặp cha con này thật sự khiến người ta cảm thấy mở đầu cảm động, kết thúc bi thương.
Ngày con gái bé bỏng chào đời, người bố vui như phát cuồng, một mình chạy ra sân bệnh viện chắp tay vái lên không trung, cảm tạ món quà ông trời ban cho. Hút xong điếu thuốc cuối cùng, người đàn ông đã cai được thuốc sau hơn 100 lần không thành công. Đến nay ông đã cai thuốc được 28 năm rồi.
Sau này hôn nhân đổ vỡ, người chồng từ bỏ tất cả yêu cầu về tài sản, chỉ có một điều kiện: Con gái theo anh. Anh sợ mất đi cô con gái bảo bối này thì cuộc đời mình sẽ cô quạnh lắm.
Nửa đêm con gái sốt cao, anh bế con đến bệnh viện vừa đi vừa đau lòng rơi nước mắt.
Con gái hỏi bố sao thế? Bố cô bé không biết trả lời thế nào bèn nói: “Bố rất yêu con, rất yêu con.”
Bé gái đưa bàn tay nhỏ lên lau nước mắt cho bố rồi nói: “Con cũng rất yêu bố.”
Con gái dần khôn lớn, khoảng cách với bố cũng xa dần. Đến một ngày, con đưa bạn trai về nhà, khi lần đầu nghe người khác gọi con mình là “Bảo bối”, ông không kìm được quay đi, tim nhói đau.
Cứ như thế, một người xa lạ đến đem bảo bối của ông đi. Con gái kết hôn, sinh con rồi dần biến mất. Từ 1 tuần gọi điện 1 lần đến một tháng, rồi 3 tháng. Từ nửa tháng về thăm bố một lần, rồi thành 1 tháng, 3 tháng, cuối cùng thì nửa năm cũng chưa chắc đã gặp được con một lần.
Dù rằng gia đình con gái sống cách nhà ông chỉ khoảng 1 tiếng đi xe mà cứ như xa trăm sông nghìn núi. Người bố già đi, giọng hỏi thăm của con ông cũng lạnh dần.
Sau này, ông cụ bị ốm, một mình cô đơn nằm trong bệnh viện.
Ông ngày ngày mong con mình xuất hiện như nắng hạn mong mưa. Trong 3 tháng, con gái chỉ đến thăm ông 2 lần, rồi vội vàng đi ngay.
Người bố vô cùng tuyệt vọng. Ông cụ đã nghĩ con sẽ nhớ lại trước đây bố chăm sóc nó thế nào nhưng ông không đợi được con gái đến bên chăm sóc mà chỉ là một người bảo mẫu xa lạ.
Cuối cùng ông sức tàn lực kiệt, giống như ngọn đèn khô dầu, lòng như tro tàn. Trước lúc lâm chung, người bố than thở tình cha con 50 năm không bằng người giúp việc 3 tháng nhưng ông cũng cảm ơn con gái đã tìm giúp mình một bảo mẫu tốt.
Để được yên nghỉ, ông đã lập di chúc:
“Thuê nhà ở Thượng Hải quá đắt đỏ, bố quyết định để căn hộ của mình lại cho cô Trần. Số tiền bố tiết kiệm được cũng không nhiều. Con lấy chồng sinh con đã tiêu tốn gần hết số tiền tích cóp của bố, chỉ còn lại hơn 800.000 tệ (2,8 tỷ đồng) tiền dưỡng già. Giờ bố cũng không dùng đến nên để hết lại cho cô ấy.”
Bà Long Ứng Đài, bộ trưởng Bộ Văn hóa Đài Loan từng nói: “Tất cả tình cha con đều chỉ là duyên phận của bạn và cha mình đời này kiếp này không dứt cho đến khi bóng ông xa dần và cha dùng bóng lưng để nói với bạn, đừng đuổi theo nữa.”
Tiếc là cuối cùng ông cụ này cũng không thể thấy được bóng lưng của con mình.
Suy ngẫm
Đọc xong câu chuyện này mà thấy chua xót.
Nhìn khuôn mặt ngây thơ, non nớt của con, tôi chẳng thể nào tưởng tượng ra được thái độ sau này của nó với mình, với một ông bố già nua sẽ thế nào.
Nhưng tôi nghĩ các bậc cha mẹ cũng sẽ không vì đọc câu chuyện này mà không nuôi dạy con.
Trước đây thường nghe phụ huynh trách con cái rằng: “Sớm biết mày bất hiếu như thế, tao bóp chết mày từ lúc mới sinh ra cho rồi.” Nhưng trên đời này làm gì có ai bóp chết con mình?
Công ơn của bố mẹ đối với con cái chính là tấm vé một chiều, rõ ràng biết càng đi càng xa nhưng vẫn mỉm cười bước tiếp.
Ông cụ người Thượng Hải này vẫn còn may mắn vì được một bảo mẫu lương thiện chăm sóc tận tình, tiễn ông nốt chặng đường cuối cùng. Có không ít cụ già chết cô độc trong nhà rất lâu sau vẫn không có người hay biết.
Một người mẹ ở Đài Loan có chồng mất sớm, một mình kiếm tiền nuôi con trai khôn lớn thành người rồi lại đưa con sang Mỹ học.
Sau khi tốt nghiệp, con bà ở lại Mỹ làm việc kiếm tiền mua nhà, lấy vợ sinh con, xây dựng gia đình viên mãn.
Bà mẹ cũng sắp về hưu, định sang Mỹ đoàn tụ cùng con trai, tận hưởng niềm vui tuổi già. Vậy là bà tràn ngập niềm vui viết một lá thư gửi cho con nói lên suy nghĩ của mình.
Khi người phụ nữ này chuẩn bị xong mọi thứ thì nhận được lá thư của con mình gửi từ Mỹ về, bên trong còn kèm tấm séc 30.000 USD (Gần 700 triệu VNĐ), lá thư viết:
Mẹ, chúng con đã bàn bạc và quyết định không đón mẹ sang Mỹ ở cùng.
Nếu mẹ cho rằng mình có ơn dưỡng dục với chúng con, tính theo giá thị trường khoảng hơn 20.000 USD, giờ con thêm một chút gửi kèm tấm séc 30.000 USD cho mẹ. Mong rằng sau này mẹ đừng gửi thư nói nhiều nữa.
Người mẹ này đọc xong lá thư, nước mắt ướt đầm, đau khổ muốn lên chùa ở. Sau này, bà đã nghĩ thông suốt và dùng số tiền đó đi du lịch vòng quanh thế giới.
Trong chuyến du lịch, bà đột nhiên hiểu ra:
Tình thân, tình bạn và tình yêu trong nhân gian đều là cây bèo tấm không rễ. Nhìn thấu là duyên đến duyên đi thì lòng không trở ngại, không ràng buộc.
Tôi tin chuyện như vậy chỉ là số ít.
Ông Lương Kế Chương, người dẫn chương trình nổi tiếng của Đài truyền hình Hồng Kông từng nói với con trai:
“Bố không yêu cầu con phụng dưỡng nửa đời còn lại, đồng thời bố cũng không chu cấp cho con trong nửa đời còn lại của mình. Khi con trưởng thành, có thể tự lập là bố hết trách nhiệm. Từ nay về sau, dù con đi xe buýt hay Mercedes, ăn vi cá hay mỳ sợi đều do bản thân con tự lo.”
Nhưng Trung Quốc ngày nay lại có những người con không chịu lớn, có những bậc phụ huynh không quản mệt. Con cái tốt nghiệp, đi làm rồi, họ còn đem tiền dưỡng già ra mua nhà, mua xe cho con. Con lập gia đình, sinh con thì đúng lúc họ về hưu bế cháu. Ngoài giặt giũ, nấu cơm, trông cháu, tiền lương hưu hàng tháng cũng đem hết ra chi tiêu sinh hoạt gia đình.
Con đi xe buýt, bạn ngồi Mercedes thử xem? Nó ăn vi cá, bạn ăn mỳ sợi là không tệ rồi.
Có người từng nói:
Nhà bố mẹ mãi mãi là nhà của con nhưng nhà của con chưa bao giờ là nhà của bố mẹ. Sinh con là nghĩa vụ, nuôi con là nghĩa vụ, dựa vào con là sai lầm.
Con cái có thể là tất cả của cha mẹ nhưng họ chỉ có thể là ánh sáng thoáng qua của con mình. Dù con là miếng thịt cắt ra từ cơ thể bạn, bạn đau, nó không đau. Thế nên mong con đối với mình cũng như miếng thịt trong tim là quá không hiện thực.
Có lẽ đúng là con cái đều nợ chúng ta một tuổi già.
Nhưng chúng ta cũng đừng bi quan, từ bỏ mà hãy học cách lạc quan đối diện, sống độc lập. Cũng như hồi đầu chúng ta đưa con ra ngoài rèn luyện khả năng sống tự lập cho chúng vậy. Giờ đây chính con cái đang rèn luyện cho chúng ta sống độc lập đến lúc ra đi.
Sau tất cả, hiếu thảo chỉ là một khát vọng tốt đẹp nhưng không thể cầu. Có thì tận hưởng niềm vui tuổi già, không thì đôi bên không làm phiền. Không phàn nàn, sống bình thản. Dưỡng già vẫn phải dựa vào bản thân. Biết dưỡng già, có thể dưỡng già, tinh thần không bị con cái làm ảnh hưởng, kinh tế cũng không phụ thuộc vào con cái.
Trẻ thời bên con, già thời bên bạn, tự mình thực hiện giấc mơ của mình, trân trọng người bạn đời bên cạnh. Có lẽ chỉ có người đó mới không từ bỏ ta, có thể cùng ta đi hết đoạn đường đời cuối cùng.
Dù là bạn bè, vợ chồng hay bố mẹ với con cái, dù yêu hay không yêu, có hiếu hay bất hiếu thì kiếp sau cũng đều không gặp lại. Một khi ra đi sẽ là vĩnh viễn cách biệt phương trời.
Hồng Ánh – Trí thức trẻ
Comments are closed.