Thứ ba, Tháng Một 14
Shadow

Thu phí tải nhạc trực tuyến ở Việt Nam từ 1/11

5 website âm nhạc trong nước ký kết với Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam và công ty MV Corp đồng loạt thu tiền người dùng khi tải nhạc trực tuyến, nhằm mang lại nguồn thu cho đơn vị sản xuất và nghệ sĩ.

Sáng 15/8, tại TP HCM, đại diện các trang âm nhạc trực tuyến lớn trong nước cùng nhiều nhà sản xuất, cơ quan ban ngành trong lĩnh vực thông tin truyền thông và văn hóa nghệ thuật, báo giới… góp mặt tại buổi tọa đàm, chủ đề: “Nhạc số Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”.

Dịp này, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) công bố công ty MV Corp là đối tác duy nhất đại diện cho hiệp hội trong việc quản lý tác quyền trên Internet và điện thoại di động.

Cũng trong khuôn khổ chương trình này, MV Corp và các website âm nhạc lớn ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, các đơn vị phân phối âm nhạc trực tuyến trong nước dự kiến đồng loạt thu phí tải nhạc trực tuyến vào ngày 1/11. Mức phí dự kiến là 1.000 đồng cho mỗi lần tải nhạc hoặc thu phí theo thuê bao hàng tháng. Riêng việc nghe nhạc trực tuyến vẫn hoàn toàn miễn phí. Mức phí 1.000 đồng này có thể sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm tùy theo tình hình thực tế khi chương trình vận hành.

Với số tiền bản quyền thu được, sau khi trừ đi các chi phí, đơn vị phân phối và các website sẽ được hưởng 45%. 55% còn lại sẽ trả về cho đơn vị cung cấp nội dung (ca sĩ, nhạc sĩ, hãng ghi âm….). Việc chi trả dự kiến được thực hiện theo từng quý.

thu phí, tải nhạc, trực tuyến, 1/11

Việc thu phí tải nhạc giúp các đơn vị sản xuất, phát hành, ca sĩ, nhạc sĩ có thêm nguồn thu để tái tạo sức lao động. Ảnh: Zen.

Riêng với các nhạc phẩm quốc tế, đại diện một trang nhạc lớn cho biết, họ đang trong quá trình thương lượng bản quyền với Sony Music và Universal để có thể thu phí tải nhạc quốc tế người dùng trong nước cùng vào đầu tháng 11 này.

Ngoài lễ ký kết, tọa đàm còn xoay quanh vấn đề tìm ra giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên lĩnh vực Internet và di động kéo dài trong suốt thời gian qua.

Xem thêm  Không hề lố, H'Hen Niê quá khôn ngoan khi chọn trang phục "bánh mì" để giành giải cao!

Động thái thu phí tải nhạc trực tuyến này được ra mắt ngay sau khi Thông tư liên tịch số 07 của Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch có hiệu lực từ ngày 6/8. Với thông tư này, các đơn vị sản xuất và phân phối âm nhạc trực tuyến tin tưởng vào khả năng ngăn chặn các dịch vụ nhạc trực tuyến vi phạm bản quyền.

“Thực tế trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động. Sản lượng băng đĩa của hiệp hội sụt giảm hơn 80% trong 5 năm gần đây. Các nhà sản xuất không thể tiếp tục đầu tư cho những dự án âm nhạc mới, vì sẽ nắm chắc phần thua lỗ”, ông Trần Chiến Thắng – Chủ tịch RIAV – bày tỏ.

Còn ông Phùng Tiến Công – Phó tổng giám đốc MV Corp – phát biểu: “Đã đến lúc các websites và dịch vụ âm nhạc trực tuyến trên di động cần đồng loạt thu phí download nhạc. Với vai trò là đơn vị cung cấp bản quyền âm nhạc lớn nhất hiện nay, chúng tôi mong muốn cùng các bên liên quan xây dựng những dịch vụ âm nhạc tốt hơn. Người tiêu dùng sẽ nhận được một nguồn nhạc phong phú, chất lượng, đầy đủ bản quyền, đồng thời góp phần tái đầu tư cho nền âm nhạc Việt Nam”.

Động thái thu phí được các cơ quan chức năng đánh giá là tín hiệu vui cho nền công nghiệp ghi âm và sự phát triển của âm nhạc Việt Nam. Tuy vậy, biện pháp này còn vấp phải nhiều thử thách, nhất là với tình trạng: vi phạm bản quyền nội dung, trong đó có nội dung âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, đang là một “xu thế”, một hiệu ứng dây chuyền, và người sử dụng Internet từ quá lâu đã quen sử dụng “chùa” sản phẩm âm nhạc.

thu phí, tải nhạc, trực tuyến, 1/11

Biểu đồ cho thấy tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trưc tuyến hiện nay. Nguồn: VCPMC và RIAV.

Thực tế, chỉ có 5 trang web âm nhạc lớn (gồm Zing, nhaccuatui, Nhac.vui, Socbay, nghenhac) ký kết với MV Corp để thu phí tải nhạc. Con số này quá nhỏ so với tổng số hơn 150 trang web trực tuyến hiện nay vi phạm bản quyền và hầu hết các trang web đều chưa được cấp quyền cho người dùng tải nhạc.

Vấn đề được đặt ra là: Nếu người dùng vẫn quay sang các trang web cho tải nhạc miễn phí thì cơ quan chức năng sẽ có chế tài thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

Xem thêm  Chuyện Hồng Tơ giấu vợ kém 23 tuổi về con người thật, khiến Hoài Linh phải xóa lời thề giả gái

Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền Việt Nam, cho biết những website chưa thanh toán tiền bản quyền mà còn cho sử dụng bản quyền ấy miễn phí hoàn toàn có thể bị thanh tra văn hóa xử phạt theo mức từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng tùy theo từng hành vi cụ thể, mang tính chất cá nhân hay có tổ chức. Với những mức phạt cao như thế, ông Chu cho rằng tác dụng răn đe rất lớn. Và với thông tư liên tịch vừa ban hành ngày 6/8, các nhà mạng đăng tải sản phẩm không có bản quyền cũng sẽ bị buộc phải tháo bỏ, gỡ bỏ các tác phẩm này. Cục trưởng cũng nhắc lại chuyện nhiều năm trước, TP HCM đã đánh sập hai website đưa hàng chục nghìn tác phẩm văn học lên mạng mà không có bản quyền, không xin phép tác giả. “Các website nhạc trực tuyến khác cần cảnh tỉnh sớm”, ông Chu nói.

thu phí, tải nhạc, trực tuyến, 1/11

Ban tổ chức cho biết, dự kiến, đến năm 2014, có khoảng 10% người dùng sẽ chấp nhận hình thức trả phí tải nhạc trực tuyến.

Là khách mời của buổi tọa đàm, nhạc sĩ Nguyễn Hà, giám đốc Nguyễn Production, chia sẻ với VnExpress.net: “Tôi quan tâm đến sự kiện này ở khía cạnh bảo vệ nội dung về bản quyền ghi âm. Đây là điều chúng tôi trông chờ từ lâu. Trước đây, Nguyễn Production thu được bản quyền ghi âm thông qua việc bán CD. Nhưng từ lâu rồi, cùng với sự thay đổi của người nghe nhạc, đĩa CD giờ đã trở thành quà lưu niệm, sưu tầm cho các fan chứ không còn là điều thiết yếu. Khán giả đã chuyển sang nghe nhạc qua Internet. Nếu mà có một cách nào thu phí bản quyền nhạc trực tuyến thì sẽ giúp cho các nhà sản xuất rất nhiều trong việc mạnh dạn đầu tư các sản phẩm tốt hơn nữa cho khán giả”.

Ông Hà cũng cho biết, ông chưa suy nghĩ đến mức phí 1.000 đồng cho một lần tải nhạc là phù hợp hay không, mà điều quan trọng hiện nay là phải xem cách thức đưa dự án này ra thị trường và làm sao để khán giả tiếp nhận.

Từ ngày 1/11, đời sống âm nhạc Việt Nam trực tuyến ít nhiều sẽ có sự dịch chuyển và thay đổi. Còn sự thay đổi như thế nào, thói quen thưởng thức nhạc “chùa” của khán giả sẽ được điều chỉnh ra sao thì còn phải chờ thời gian trả lời.

Theo VNexpress