Lẽ nào, cuộc hôn nhân dở dang với người vợ đầu đã đánh cướp đi quãng tuổi trẻ đẹp nhất trong đời Kim Dung, đã khiến ông còn khát vọng về một nụ hôn đầu đời niên thiếu?
“Lệnh Hồ Xung cúi đầu xuống thấy cô thẹn thùng lại càng xinh đẹp thì không khỏi nhúm ngọn lửa vô hình. Lòng chàng bâng khuâng, bất giác đặt môi lên má cô mà hôn một cái.
Cô kia giật mình kinh hãi. Đột nhiên nổi nóng, cô xoay tay lại tát thật mạnh một cái vào mặt Lệnh Hồ Xung, đoạn cô nhảy vọt lên. Nhưng luồng đạo lực rất kém, người cô còn lơ lửng trên không, lực đạo đã tiêu tan, cô lại rớt vào lòng Lệnh Hồ Xung, rồi toàn thân nhũn ra không nhúc nhích được nữa.
Cô sợ Lệnh Hồ Xung lại nổi cơn phóng đãng, trong lòng cực kỳ nóng nảy, nói ngay: “Nếu ngươi còn vô lễ, là ta… giết ngươi lập tức”.
Lệnh Hồ Xung cười đáp: “Cô giết tại hạ cũng thế mà không giết cũng vậy. Số mạng tại hạ chẳng còn bao lâu. Tại hạ cứ muốn vô lễ với cô…”
Cô kia rất bồn chồn, miệng lắp bắp: “Ta, ta, ta…”. Nhưng không thể nào nói thêm được.
Lệnh Hồ Xung phấn khởi khí lực khẽ nâng đầu vai cô lên rồi tự mình lăn sang một bên, cười hỏi: “Cô nương làm gì?”
Chàng nói câu này rồi nổi cơn ho sù sụ, vừa ho vừa thổ mấy búng máu tươi…”
Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh trong Tiếu ngạo giang hồ bản 2001.
Đấy là đoạn “chưởng mềm” mình thích nhất của Tra lão đại, nghệ danh Kim Dung. Hình như trong toàn bộ trước tác của Tra lão đại, chỉ có một đoạn này tả một nụ hôn trai gái, ở vào cái thời đại mà “nam nữ thụ thụ bất thân”.
Nhưng chỉ nó, đủ để toát lên bản chất của Lệnh Hồ Xung. Nó cũng để lại một câu hỏi rất lớn là Doanh Doanh cảm nhận gì khi nằm trong lòng của người trai trẻ như Lệnh Hồ, cảm nhận gì khi lần đầu tiên nàng nhận 1 nụ hôn như thế và cảm nhận gì khi ở đoạn sau đó, nàng hỏi chàng “ngực đau lắm à?” thì chàng lại nói “đau ở đây này” mà chỉ lên má, nơi bị ăn cái tát.
Cốt truyện, tình tiết thì bộ nào của Kim Dung cũng có cái hay, cái đặc sắc cả. Nhưng tình tiết tình như đoạn này thì có lẽ chỉ có một.
Nó làm người đọc vượt qua cái ấm ức “tại sao không tới nữa đi nhỉ?” khi đọc đoạn Trương Thúy Sơn hành tẩu giang hồ cùng Hân Tố Tố.
Nó con người hơn rất nhiều, nó chính là chúng ta, ở một phần tuổi trẻ nào đó, với sự hào hứng đa tình vốn có, với sự dạn dĩ máu liều thốt nhiên, với phần bản thể mà chúng ta có thể sẽ luôn cố tình giấu đi vì cái vỏ bọc đạo đức phán xét, cái phần bản thể mà Nikos Kazantzakis phải mất
mấy trăm trang của cuốn Zorba the Greek nhưng vẫn không thể miêu tả hết và phải dồn tiếp vào hình ảnh bốn bàn chân trần trẻ tuổi áp vào nhau (của Jesus Cristo và của Mary Magdelena) trong cuốn The Last Temptation of Christ.
Nó làm cho mọi bi kịch trở nên mềm đi rất nhiều, nhất là khi Lệnh Hồ Xung ở trong bi kịch của đời mình, khi nhận ra mù mờ rằng mình bị bội phản, bị dối lừa, bị xa lánh.
Nó như một thốt ra “All you need is love” mà The Beatles đã từng cất lên. All you need is love.
Thời điểm ấy, giữa Lệnh Hồ và Doanh Doanh đã khởi đi một tình yêu thực sự dù có thể họ chưa nhận ra hoặc Tra lão đại chưa muốn cho họ nhận ra một cách rõ ràng dù chính ông, đã bằng thoại, để Lệnh Hồ suýt ngập ngừng nói chuyện “sau này ai làm chồng cô” và tưng tửng nửa thực nửa đùa rằng “cô là bà bà, ta là công công” với suy nghĩ họ là một đôi.
Lệnh Hồ ấy mới là Lệnh Hồ con người chứ không phải một “trang thiếu hiệp hành xử khuôn mẫu như từ điển”, thứ từ điển mà Nietzsche đã gọi là “nhà tù dã man nhất trong các loại nhà tù”.
Và cũng chính tự Lệnh Hồ, ở chương đó, trong đoạn đó, nói về chính mình rằng “Suốt đời tại hạ không bao giờ ép mình theo khuôn phép được”.
Đúng, không thể ép mình theo khuôn phép được thì mới dám cầm kiếm chống lại một bậc trưởng bối của Thiếu Lâm danh môn chính phái, Thiếu Lâm bắc đẩu, để bảo vệ cái con người là “bà bà” nhưng hoá ra là bà gác tù trọn đời của chàng về sau. Và cái không thể ép mình ấy nó mới thể hiện được cái chất “nhân tại giang hồ, thân bất do kỷ”.
Sẽ mỗi người giữ một góc kiếm hiệp cho mình, một góc Kim Dung riêng của mình. Chẳng thể nào nói ai giỏi võ công hơn ai trong số các tuổi trẻ anh hùng như Quách Tỉnh, Dương Quá, Lệnh Hồ, Vô Kỵ, Tiêu Phong…
Mọi so sánh kiểu ấy chỉ là ngu xuẩn, và thiển cận. Nhưng nếu phải so sánh con người ngôn tình nhất, bản năng nhất, có lẽ ta dám gọi tên Lệnh Hồ sư huynh.
Si tình ư, ai chả si tình, kể cả tay Vô Kỵ từng được mẹ dặn “không tin đàn bà”. Nhưng con người bản năng và khát vọng thì chỉ Lệnh Hồ, nhờ vào chỉ một chi tiết mà thôi, một nụ hôn duy nhất xuyên suốt các tác phẩm của Tra lão đại.
Lẽ nào, cuộc hôn nhân dở dang với người vợ đầu đã đánh cướp đi quãng tuổi trẻ đẹp nhất trong đời Kim Dung, đã khiến ông còn khát vọng về một nụ hôn đầu đời niên thiếu, nụ hôn chỉ dám đặt lên má chứ không phải gắn lên một đoá môi hồng?
Và lẽ nào, nụ hôn ấy là của chính Kim Dung, cho một Nhậm Doanh Doanh tưởng tượng, chứ không phải của Lệnh Hồ Xung, một nhân vật suýt đi vào lối mòn “line-cliche” của chính ông.
Theo Minh Quang Hà/ Trí thức trẻ