Thứ hai, Tháng mười hai 23
Shadow

Trào lưu nuôi vịt của giới trẻ Trung Quốc

Một con vịt trưởng thành được bán trên Taobao với giá trung bình 6.000 tệ (21 triệu đồng), cao nhất lên tới 20.000 tệ ( 70 triệu đồng).

Chiều tháng 4, trong căn phòng thiết kế kiểu Nhật Bản giữa Thượng Hải, hai người trẻ tuổi ngồi quanh chiếc bàn, nhâm nhi cà phê và phơi mình dưới ánh mặt trời. Trên mặt bàn, hai con vịt lông màu kem, mỏ và bàn chân màu vàng ruộm đang uể oải đi lại.

Đây là một trải nghiệm “thú cưng” mới ở Thượng Hải, nơi cung cấp các dịch vụ tương tác với “Vịt gọi” (call duck). Mỗi khách hàng đến với câu lạc bộ này phải trả phí để có hai giờ “tương tác thân mật” với những chú vịt giống mới. Mỗi ngày có 30 đến 40 khách hàng và tăng lên 100 người vào dịp cuối tuần.

“Những chú vịt gọi này hoạt bát và không sợ người. Chơi với chúng thấy rất vui”, Tiểu Chu, một khách hàng tại câu lạc bộ Vịt gọi nhận xét. Trên bàn, hai chú vịt tên Fendi và Poo Qi đang vươn cổ và cắn nhẹ vào lòng bàn tay cô.

Một cặp đôi chơi với chú vịt gọi tại một câu lạc bộ ở Thượng Hải. Ảnh: sina.

Vịt gọi là một giống lùn làm cảnh, có nguồn gốc Hà Lan, sở hữu bộ lông mượt mà, thân hình nhỏ nhắn. Gần đây, giống vịt này trở thành một lựa chọn vật cưng phổ biến với thế hệ trẻ Trung Quốc. Chủ nuôi sẽ dành thời gian tắm rửa, chải lông, chơi đùa với chúng thay thế những chú chó hay mèo cảnh truyền thống.

Xem thêm  Đức Phật nói có 6 việc xấu không nên làm, tránh được thì nhà nhà yên ấm, giàu có an khang

Trên Taobao – nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, một con vịt gọi trưởng thành được bán với giá 6.000 tệ (21 triệu đồng), những con non là 2.800 tệ, thậm chí một quả trứng vịt đã thụ tinh có giá từ 800 đến 1.200 tệ. Đặc biệt với những con có bộ lông đẹp, giá có thể lên tới 20.000 tệ (70 triệu đồng).

Theo người nuôi, Vịt gọi cũng như những thú cưng khác cần phải chi thêm tiền để mua lồng thiết kế riêng và đồ ăn nhẹ, thậm chí là tã lót nếu chưa huấn luyện được chúng đi vệ sinh đúng chỗ. Gần đây, các bài đăng hay video chia sẻ cách nuôi Vịt gọi xuất hiện khá nhiều trên các mạng xã hội lớn tại Trung Quốc.

Blogger Runaway Egg nói trong hướng dẫn nuôi vịt cảnh tại nhà rằng, cô đã chi 750 tệ để mua trứng vịt và ấp trong lồng. Đến ngày thứ 25, vịt con bắt đầu mổ vỏ. “Đó là thời điểm thích hợp để vịt chào đời. Bởi chỉ cần đợi sau đó một ngày nếu không có động tĩnh gì, bạn sẽ phải bóc vỏ trứng nếu không vịt sẽ chết bên trong”, người này hướng dẫn.

Theo Runaway Egg, ngoài khâu ấp trứng, việc huấn luyện loài thú cưng này khó nhất là hướng dẫn vệ sinh đúng chỗ. “Không như huấn luyện chó mèo, Vịt gọi cần nhiều thời gian hơn để biết nơi chúng được phép đi vệ sinh”. Mẹ của người nuôi này từng dùng hết một cuộn giấy vệ sinh dọn dẹp phòng sau khi đàn vịt con ị bừa bãi khắp nhà. Vì đặc tính này của giống vịt, các sản phẩm “tã gia cầm” bắt đầu ra đời. Các miếng vải với nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau, được buộc cố định dưới phần mông con vịt.

Xem thêm  Mưu kế của Bàng Thống vạch trần 3 lỗi chí mạng của Lưu Bị, phí nửa đời người mới nên cơ đồ

Một con Vịt gọi được nuôi làm thú cưng ở Trung Quốc. Ảnh: sina.

Tuy nhiên, lợi dụng trào lưu đang hot, những mánh khóe lừa đảo bắt đầu xuất hiện. Vì hầu hết những cuộc trao đổi mua bán đều qua mạng nên phần đông những người mua không phân biệt được trứng vịt gọi với các loại trứng vịt thông thường. Có nhiều người mua trứng về nhưng nở ra loài khác, liên lạc với người bán thì bị chặn số.

Chu Chí Cường ở tỉnh Quý Châu cho biết, anh từng mua qua mạng trứng vịt gọi để về tự ấp nhưng khi nở lại ra con vịt màu nâu thay vì màu kem như quảng cáo. “Đó chỉ là những con vịt thường”, Chu nói. Dù đã báo lên cảnh sát nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Vịt gọi không phải là vật nuôi bất thường duy nhất nhưng ngày càng phổ biến tại Trung Quốc. Cũng tại câu lạc bộ “Vịt gọi” ở Thượng Hải, người chủ có tên Giả Văn nói rằng cô còn chuẩn bị nhập giống lợn thơm của Thái Lan (một loại lợn nhỏ làm cảnh), nhím da lưỡi xanh để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên Giả Văn cho biết, ở câu lạc bộ những loại thú cưng này được chăm sóc kỹ lưỡng bởi chúng là “công cụ” kiếm tiền.

“Nhiều trường hợp mọi người chỉ nuôi theo phong trào. Khi đã chán hay cảm thấy phiền phức họ lại bỏ rơi chúng. Tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy”, Giả nói.

Vy Trang (Theo sina, sixth tone)