Thứ hai, Tháng Một 13
Shadow

TS Phương Anh: TSKH Đoàn Hương nóng tính nên mới phản ứng với người phản biện

TS Đoàn Hương
TS Vũ Thị Phương Anh (trái) và TSKH Đoàn Hương.TS Phương Anh cho rằng, quan điểm của TSKH Đoàn Hương nêu ra là quyền cá nhân nhưng việc nói không rõ ràng, chặt chẽ đã khiến mọi người đi vào từng câu chữ để bắt bẻ, tranh luận lại.

TS Phương Anh cho rằng, quan điểm của TSKH Đoàn Hương nêu ra là quyền cá nhân nhưng việc nói không rõ ràng, chặt chẽ đã khiến mọi người đi vào từng câu chữ để bắt bẻ, tranh luận lại.

Xem thêm  TSKH Đoàn Hương: "Những người nói tôi là những người không hiểu biết nên không tranh cãi"

“Tôi đồng quan điểm với ý kiến phản biện TSKH Đoàn Hương”

Khi bàn về việc có nên đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 hay không trên VTV, TSKH Đoàn Hương đã đưa nhận định, có người cho rằng, nước Anh sắp rút khỏi cộng đồng châu Âu (EU) thì tiếng Anh cũng sẽ không tồn tại và nếu Việt Nam chỉ dồn vào tiếng Anh sẽ không ổn…

Trao đổi với PV, TS Vũ Thị Phương Anh – nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia TP HCM, người ngồi chung buổi trao đổi với TSKH Đoàn Hương trên VTV cho rằng, những phát biểu của bà và bà Hương mọi người đã nghe, bàn tán nhiều nên không có ý kiến gì thêm.

Theo TS Phương Anh, về phát biểu của TSKH Hương cho rằng, sau khi nước Anh ra khỏi EU, ngôn ngữ này không còn là ngôn ngữ chính thức tại EU và hàm ý, Việt Nam nên cân nhắc trong việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai đã gây nhiều tranh luận, thậm chí khá gay gắt.

Hầu hết, các ý kiến đều lên tiếng phản đối phát biểu trên và nêu rõ, dù nước Anh có rút ra khỏi EU thì tiếng Anh vẫn có vai trò quan trọng vì tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu là không có gì để tranh cãi.

“Tôi đồng quan điểm với ý kiến phản biện TSKH Đoàn Hương về tầm quan trọng của tiếng Anh, nhưng thấy rằng hình như hai bên đang nói về những điều khác nhau.

Cụ thể, TSKH Đoàn Hương đang nói về địa vị chính thức của tiếng Anh tại EU (là một phần của thế giới), còn những người phản biện lại nói về vai trò thực tế của ngôn ngữ này trong thế giới hiện đại, vi tính hóa và toàn cầu hóa hiện nay”, TS Phương Anh nói.

Bà nói thêm, quan điểm của TSKH Đoàn Hương nêu ra như vậy là quyền cá nhân nhưng chính việc nói không rõ ràng, chặt chẽ nên đã khiến mọi người đi vào từng câu chữ có thể bắt bẻ, tranh luận lại.

“Tôi cũng đã đọc ý kiến phản ứng của TSKH Đoàn Hương nhưng có lẽ với nóng tính của mình nên cô mới có những lời như tôi nói như vậy mà không hiểu là những người thiếu hiểu biết nên không tranh luận lại…”, TS Phương Anh bày tỏ.

Vị nữ nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí nhấn mạnh, từ việc hai bên nói những điều khác nhau đã đặt ra một câu hỏi, vậy phát biểu của TSKH Đoàn Hương liệu có đúng không, tức là, nếu nước Anh rút ra khỏi EU thì tiếng Anh không còn địa vị chính thức nữa, có đúng không?

Với câu hỏi này, TS Phương Anh đã tìm kiếm các tài liệu và thấy rằng, hiện nay ở châu Âu có đến 24 ngôn ngữ được xem là chính thức. Trong đó, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Anh được coi là “3 ngôn ngữ dùng để làm việc”, các quan chức làm việc cho EU thường nói được cả 3 ngôn ngữ này.

Bên cạnh đó, tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ của người Anh, mà còn là ngôn ngữ chính thức của Ireland và Malta, 2 quốc gia thành viên EU.

Điều đáng nói nữa là sau 3 lần mở rộng kết nạp thêm các thành viên của EU kể từ năm 2004 đến nay, xuất hiện xu hướng chuyển mạnh từ sử dụng tiếng Pháp sang tiếng Anh tại trụ sở của Liên minh châu Âu tại Bỉ.

Theo số liệu của Eurostat, cơ quan thống kê của EU, có tới 97% số học sinh phổ thông trung học cơ sở các nước trong EU đang học tiếng Anh làm môn ngoại ngữ.

Tại các trường tiểu học, 79% học sinh EU đã học tiếng Anh. Tại Đan Mạch, học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ năm đầu tiên đi học.

“Như vậy, có thể thấy rõ, sau Brexit, tiếng Anh vẫn cứ là ngôn ngữ giúp kết nối các nước EU lại với nhau.

Có thể thấy rõ, vai trò thực tế của tiếng Anh trong thế giới ngày nay và không còn ai nghi ngờ nữa. Tóm lại, vẫn cứ phải học tiếng Anh thôi”, TS Vũ Thị Phương Anh nêu rõ.

Phải tạo một môi trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày

TS Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh, khi thảo luận về “ngôn ngữ thứ hai” liên quan đến tiếng Anh nên làm rõ xem vấn đề đang xét ở góc độ cá nhân hay góc độ chính sách quốc gia.

Nếu xét về mặt cá nhân ở Việt Nam có nhiều người có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo trong công việc hoặc học hành, tức là “như ngôn ngữ thứ hai/thứ ba/thứ tư” của họ.

Nhưng xét ở phạm vi quốc gia, nếu muốn tất cả/hầu hết người Việt giỏi tiếng Anh tất nhiên phải có chính sách.

Chính sách có thể là xem tiếng Anh như “ngôn ngữ thứ hai” của quốc gia, lúc đó, nó sẽ được sử dụng trong hành chính, pháp lý, và sẽ là ngôn ngữ để giảng dạy trong nhà trường – tức là học bằng tiếng Anh chứ không phải học tiếng Anh.

Chính sách đó có thể là các chính sách giáo dục ngôn ngữ, ví dụ chính sách song ngữ, có nghĩa, tiếng Anh được sử dụng song song với tiếng Việt để giảng dạy trong nhà trường.

Lúc ấy tiếng Anh vẫn chỉ là một ngoại ngữ, nhưng người dân nếu đã qua trường lớp sẽ có khả năng sử dụng ngôn ngữ này khá thành thạo trong cuộc sống.

Theo TS Phương Anh, đây là chính sách ngôn ngữ của Châu Âu, trong đó người dân nào cũng phải có ít nhất một ngoại ngữ – đa số chọn tiếng Anh, sử dụng thành thạo để có thể sinh sống trong một Châu Âu hội nhập.

“Vậy nên ở Việt Nam, vấn đề không phải có nên công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai hay không, mà làm sao để việc giảng dạy tiếng Anh có hiệu quả cao hơn”, TS Phương Anh nhấn mạnh thêm.

Xem thêm  Gửi TS Đoàn Hương: Không có chuyện Châu Âu sắp bỏ sử dụng tiếng Anh đâu, thưa bà!

Theo Hoàng Đan- Trí thức trẻ/Soha

Link