Công Phượng đã ghi bàn thắng đầu tiên trên đất Hàn. Hẳn nhiên đấy là tin vui. Nhưng sau tin vui ấy, Incheon United sẽ là bến đỗ “nơi bình yên chim hót”?
1. Sau một năm tràn ngập tin vui của bóng đá Việt Nam, người hâm mộ nước nhà lại có thêm lần phấn khích với việc cả 3 cầu thủ “xuất ngoại” là Văn Lâm, Xuân Trường và Công Phượng rốt cuộc cũng lần lượt được ra sân trong màu áo của đội bóng mới, trên đất Thái và Hàn Quốc.
Dẫu vậy, nếu như ấn tượng đậm đà nhất của mà thủ thành số 1 của Việt Nam để lại trong ngày ra mắt CLB mới – Muathong United, là pha bóng cực kỳ ngớ ngẩn, dẫn đến bàn thua “như trò hề” mà đến những thủ thành nghiệp dư cũng ít khi phạm phải, thì trong màu áo nhà vô địch Thái Lan Buriram United, Xuân Trường cũng “góp mặt” trong bàn thua của đội nhà, bằng cú “mớm bóng” cho đối phương ngớ ngẩn chẳng kém.
May mắn cho cả Văn Lâm lẫn Xuân Trường, bởi nếu trận hòa của Buriram United rơi đúng vào kỷ niệm 10 năm thành lập CLB, nhưng về tính chất cũng chỉ là một trận giao hữu “vô thưởng vô phạt”, thì pha để thua của Văn Lâm không mấy ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, khi Muathong United rốt cuộc cũng có chiến thắng 3-1 đầy thuyết phục.
Nhưng hai tình huống đậm chất nghiệp dư ấy của Văn Lâm và Xuân Trường cũng cho thấy một điều, rằng có vẻ họ vẫn chưa sẵn sàng cho một môi trường bóng đá chuyên nghiệp, sau những ầm ĩ truyền thông, làm hình ảnh, rầm rộ lôi kéo người hâm mộ.
Với cú chuyền bóng cực kỳ khó hiểu của mình, Xuân Trường khiến nhiều người nhớ lại hình ảnh của anh trên đất Hàn Quốc, trong màu áo của Incheon United và Gangwon FC ngày nào: nhạt nhòa, bị động và chậm chạp. Dĩ nhiên K.League ở một đẳng cấp khác so với Xuân Trường, nhưng nếu cứ mắc những lầm lỗi đáng tiếc như thế, thì liệu cửa của tiền vệ người Tuyên Quang ở Buriram – đội bóng cực kỳ giàu tham vọng, có là khả thi?
2. Công Phượng đã ghi bàn, vào lưới Busan Transportation Corporation FC, trong một trận giao hữu. Liệu đấy đã là sự công nhận của Incheon United dành cho tiền đạo HAGL, điều mà Xuân Trường từng cực kỳ nỗ lực nhưng rốt cuộc đành phải buông tay?
Thực ra, bàn thắng ấy chẳng có mấy ý nghĩa. Thậm chí, nó còn khiến người ta lo lắng hơn về tương lai của Công Phượng ở Hàn Quốc. Bởi đội bóng mà Công Phượng vừa “xé lưới” chơi ở tít tận giải hạng 3 Hàn Quốc, và là đội “cầm đèn đỏ” ở mùa giải trước tại đây. Nói để dễ hình dung, họ là đội xếp bét trong số tất cả những đội bóng chuyên nghiệp ở xứ sở kim chi.
Mùa giải trước, họ thi đấu tệ đến mức chỉ thắng có vỏn vẹn 2 trong số 28 trận thi đấu cả mùa, hòa 10 và thua đến 16 trận, cán đích giải hạng 3 Hàn Quốc 2017/18 với vị trí chót bảng cùng 16 điểm (kém 11 điểm so với đội xếp ngay trên).
Thực ra, ở mùa trước đó, họ cũng xếp bét ở giải đấu này. Điều đó có nghĩa, đội bóng này tham gia giải hạng 3 Hàn Quốc… cho vui là chính. Công Phượng ghi bàn, bất kể là vào lưới đội bóng nào đều là tin vui, nhưng mấu chốt nằm ở chỗ tỷ số cả trận là 2-2. Điều đấy đồng nghĩa với việc Công Phượng và các đồng đội thi đấu quá kém, trước một đối thủ… cực kỳ nghiệp dư.
Không khó để nhận ra tính từ ngày sang Hàn Quốc, hình ảnh của Công Phượng được CLB này sử dụng để làm truyền thông với mức độ đậm đặc, giống hệt như với Xuân Trường 3 năm về trước.
Trước ngày Công Phượng sang Hàn Quốc, bầu Đức đã lên tiếng trấn an những người lo lắng cho tương lai của tiền đạo này bằng thông tin sở dĩ Xuân Trường ít được được ra sân, là bởi mùa giải mà tiền vệ này đầu quân cho Incheon United, đội bóng này đang phải vật vã trụ hạng, nên anh có rất ít cơ hội được trọng dụng.
Nhưng Incheon United hiện tại cũng nào có khác gì, khi mùa bóng trước, họ xếp bét K.League sau 33 vòng đấu, và chỉ có thể trụ hạng thành công một cách thần kỳ khi thắng đến 4/5 trận vòng play-off, để vọt từ vị trí cầm đèn đỏ lên thứ 9, tiếp tục ở lại K.League 1 mùa này.
Điều đấy có nghĩa là mùa bóng này, họ cũng xác định tinh thần sẽ phải căng hết mình với mục tiêu trụ hạng, và Công Phượng lại đang rơi vào hoàn cảnh của Xuân Trường ngày nào.
Theerathon Bunmathan, cầu thủ Thái Lan vừa chuyển qua thi đấu cho CLB Nhật chơi ở J.League 1 – Yokohama F. Marinos, mùa bóng trước từng chơi đến 35 trận trong màu áo Vissel Kobe cạnh Lucas Podolski và Iniesta, từng kể rằng ngày mới đến Nhật Bản với tư cách ngôi sao có giá trị chuyển nhượng cao nhất Thai League, không ai ở Nhật biết anh và trong trận đấu đầu tiên trên đất Nhật, đôi chân của anh đã tê cứng vì quá tải.
Nhưng rồi, chính điều đó đã giúp Theerathon Bunmathan, cũng như những Teerasil Dangda và Chanathip Songkrasin – những cầu thủ Thái Lan cực kỳ thành công trên trên đất Nhật, vượt qua chính mình, bằng ý chí, bằng nỗ lực vượt qua sự tự ti để được công nhận trên sân cỏ, thay vì những lời tung hô từ người hâm mộ, những chiêu trò tuyền thông từ CLB.
Trong bảng xếp hạng khán giả theo dõi của các giải VĐQG châu Á mùa bóng 2018, K.League 1 xếp thứ 8, với vỏn vẹn trung bình 5.445 người mỗi trận, kém xa V.League của Việt Nam. Trong đó, số khán giả đến sân theo dõi Incheon United mùa giải qua trung bình chỉ là 4.429 người, giảm 25,3% so với mùa giải trước.
Incheon United cần thu hút khán giả, đấy là điều dĩ nhiên. Bên cạnh đó, CLB này cũng phải chật vật với cuộc chiến trụ hạng. Giữa lằn ranh ấy là Công Phượng, vừa phải quảng bá CLB như ngày nào khoác áo đội bóng Nhật Bản ở J.League 2 ba năm về trước, như Xuân Trường từng phải làm, vừa phải ghi bàn vào lưới các đội bóng mạnh hơn, liệu có quá sức với cầu thủ từng phải gánh trên lưng cái danh hiệu “Messi Việt Nam” không?
Hỏi, tức là đã tự trả lời…
Theo Trí thức trẻ/Soha