Thứ sáu, Tháng Một 10
Shadow

5 nguyên tắc mà cha mẹ rất nên nhớ và áp dụng sớm để giúp con nhỏ không bị suy sụp vì căng thẳng

Bạn có từng nghĩ rằng trẻ con thì không bị stress và không có gì áp lực? Sự thật thì không phải như vậy. Hầu hết tất cả các trẻ em đều phải chịu đựng nhiều áp lực khác nhau tạo nên trạng thái căng thẳng và gây ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi của trẻ.

Xem thêm  'Muốn con thành công, hãy để bé thất bại' - bài học của một tổng biên tập

Cuối năm là thời điểm mà trẻ phải chạy đua với các bài kiểm tra, hoạt động ngoại khóa trên trường, bài tập về nhà và còn phải hoàn thành các công việc nhà theo yêu cầu của bố mẹ. Một số trẻ có khả năng sắp xếp để thực hiện và loại bỏ các áp lực này, nhưng rất nhiều trẻ bị quá tải và không thể đối phó được. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng thường xuyên phải chịu những áp lực trong công việc và cuộc sống, do đó sẽ rất khó khăn cho trẻ trong việc giải quyết căng thẳng của mình. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên áp dụng một số biện pháp để giúp con mình giải tỏa căng thẳng, tạo không khí thoải mái trong gia đình.

căng thẳng

Trẻ em cũng thường xuyên bị căng thẳng do những áp lực từ bên ngoài cũng như bên trong gia đình (Ảnh minh họa)

1. Hãy chú ý và trò chuyện với trẻ

Nếu như bạn nhận thấy rằng con mình có vẻ lo lắng và căng thẳng hơn bình thường, hãy tâm sự và hỏi về tình trạng cũng như suy nghĩ của trẻ. Những cuộc trò chuyện sẽ giúp các thành viên trong gia đình hiểu nhau hơn, tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết được những căng thẳng mà trẻ đang gặp phải. Tần suất và mức độ giao tiếp của cha mẹ có ảnh hưởng rất nhiều đến việc ra quyết định ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra rằng, việc nuôi dạy con cái đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm các hành vi sai lệch ở thanh thiếu niên. Đặc biệt, các bậc cha mẹ nên thông báo về hành động của mình cho con, chú ý đến hành vi và môi trường xung quanh để có thể nuôi dạy trẻ một cách tốt nhất. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên duy trì và kết nối mối quan hệ bằng cách thường xuyên trò chuyện và chú ý đến trẻ, thúc đẩy việc cởi mở chia sẻ tình cảm và tâm trạng để có thể giúp trẻ giải tỏa căng thẳng trước khi tình hình nghiêm trọng hơn.

căng thẳng

Các bậc cha mẹ nên thường xuyên chú ý và trò chuyện để nắm rõ tâm tư tình cảm của trẻ (Ảnh minh họa)

2. Tạo một môi trường sống lành mạnh

Nhà và không gian làm việc ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi và cách ứng xử của bạn trong cuộc sống. Nếu như nhà của bạn chứa đầy sự hỗn loạn và bừa bộn, điều đó có thể làm tăng thêm sự lo lắng và căng thẳng cho trẻ. Tuy nhiên nếu như gia đình bạn có một môi trường sống ngăn nắp, gọn gàng, nó sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống. Khi nhìn vào một ngôi nhà với đầy những đồ đạc lộn xộn, bạn hãy thử tự hỏi rằng “Liệu có thể cảm thấy thư giãn và thoải mái khi sống trong một ngôi nhà như thế này không?” Bạn có thể bắt tay vào dọn dẹp và sắp xếp nhà cửa cùng với con của mình để có thể dạy trẻ cách kiểm soát và tập trung khi gặp các tình huống căng thẳng. Với một không gian được sắp xếp gọn gàng và trật tự, mọi sự căng thẳng của các thành viên trong gia đình sẽ được giảm thiểu rất nhiều và mọi người sẽ học được cách sống có tổ chức.

3. Thay đổi một số thói quen về sức khỏe

căng thẳng

Việc duy trì thói quen ngủ đúng giấc, đúng giờ có thể giúp cho trẻ khỏe mạnh hơn để vượt qua những căng thẳng, mệt mỏi (Ảnh minh họa)

Khi bạn và gia đình đang gặp căng thẳng hãy đưa ra các quyết định sáng suốt để chăm sóc bản thân. Các thành viên cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, hoạt động thể chất, ngủ đủ giấc. Khi bạn quá mệt mỏi, bạn sẽ có xu hướng sử dụng các loại thức ăn nhanh, vùi vào các hoạt động ít vận động như chơi game, xem ti vi và bỏ qua việc ngủ đủ giấc. Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy rằng, những đứa trẻ bị thiếu ngủ có nhiều khả năng gặp các vấn đề về hành vi và ít có khả năng xử lý những căng thẳng hàng ngày. Bằng cách dạy cho trẻ việc tuân thủ thói quen ngủ đúng giờ bạn có thể giúp trẻ giảm bớt căng thẳng mệt mỏi.

4. Giảm bớt lịch trình cho trẻ

căng thẳng

Thay vì bắt trẻ học từ sáng đến tối, từ thứ 2 đến chủ nhật, hãy cho trẻ một vài thời điểm để nghỉ ngơi và giải trí (Ảnh minh họa)

Ngày nay, trẻ em phải thực hiện rất nhiều lịch trình bận rộn suốt ngày từ đi học, tham gia ngoại khóa, làm bài tập về nhà, luyện tập thể thao, âm nhạc, thực hiện các công việc hỗ trợ tại cộng đồng… Tất cả chúng có thể làm cho trẻ cảm thấy áp lực hơn khi bản thân cần phải thực hiện tất cả mọi thứ với kết quả tốt nhất. Các bậc cha mẹ có thể giúp đỡ trẻ sắp xếp lại các khoảng thời gian trong ngày, cho phép trẻ nghỉ ngơi hay ngủ nhiều hơn vào cuối tuần, dành thời gian để tâm sự giúp trẻ thư giãn và lắng nghe những mong muốn của trẻ.

5. Hít thở

Để chống lại sự căng thẳng một cách hiệu quả, bạn có thể kích hoạt phản ứng thư giãn tự nhiên của cơ thể. Phản ứng thư giãn là trạng thái nghỉ ngơi vật lý sâu làm thay đổi phản ứng thể chất và cảm xúc (ví dụ: nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và căng cơ). Loại phản ứng thư giãn tự nhiên được khuyến khích áp dụng nhiều nhất khi căng thẳng là hít thở vì nó rất dễ dàng để trẻ em có thể thực hiện. Hít thở sâu là một liều thuốc rất tốt cho việc giảm căng thẳng, nó giúp tăng cường lượng oxi lên não, kích thích hệ thần kinh và thúc đẩy cơ thể bình tĩnh.

Kim Vi – Helino

Link