Thứ sáu, Tháng mười một 15
Shadow

Cuộc đời bi thảm của Hoàng đế Trung Hoa cuối cùng qua lời kể của cháu trai

Cha của Jin Yulan là anh em cùng cha khác mẹ với vua Phổ Nghi (Hoàng đế Trung Hoa cuối cùng).

Trong suốt nhiều năm, Jin Yulan lang thang khắp các tiệm đồ cổ ở Bắc Kinh để tìm những món đồ quý báu mà ông cho là thuộc về dòng họ của mình.

Ông là cháu trai Phổ Nghi, vị Hoàng đế Trung Hoa cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc.

“Tôi chưa bao giờ biết đến cuộc sống trong cung”, ông Jin chia sẻ với South China Morning Post.

“Tôi không biết người ta sống sung sướng thế nào hay ăn sơn hào hải vị ra sao nhưng tôi cảm nhận được sợi dây gắn kết giữa mình và tổ tiên. Mối liên hệ này sẽ không bao giờ mất đi”.

Cha của ông Jin là anh em cùng cha khác mẹ với hoàng đế Phổ Nghi. Ông mất vào năm 2015 ở tuổi 96 và là người cuối cùng của thế hệ ông còn sống cho đến khi đó.

Ông Jin Yulan là cháu trai của Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Cuộc đời chìm nổi của vị ấu vương

Phổ Nghi lên ngôi khi mới 2 tuổi vào năm 1908. 4 năm sau đó, vị ấu vương bị thuộc thoái vị. Nhà Thanh sụp đổ, chấm dứt hơn 2.000 năm tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế tại đất nước đông dân nhất thế giới.

Sau đó, Phổ Nghi được Nhật Bản đưa lên làm vua bù nhìn của Đế quốc Mãn Châu cho đến khi bị Hồng quân Liên Xô bắt năm 1945.

Ông được cho hồi hương năm 1950 nhưng lại tiếp tục trải qua 10 năm trong trại cải tạo dưới sự giám sát của chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Xem thêm  Ở đời, không để bố mẹ lo lắng chính là sự hiếu thảo nhất

Khi Phổ Nghi được thả vào năm 1959, gia tộc Ái Tân Giác La đã tổ chức tiệc mừng linh đình. Theo lời Jin Yulan, đó là “bữa tiệc đoàn viên lớn nhất kể từ khi nhà Thanh sụp đổ”.

“Phổ Nghi nắm lấy tay tôi, ông rất thân thiện. Đó lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông ấy”, Jin kể. “Ông mặc đúng bộ đồ từng mặc trong tù. Thứ duy nhất ông bỏ đi chính là số hiệu phạm nhân”.

Sau đó, Phổ Nghi sống ở Bắc Kinh, làm việc cho vườn thực vật thành phố. Ông mất vào năm 1967 vì bệnh ung thư. Thi hài ông được hỏa táng thay vì mai táng như tổ tiên.

Chân dung hoàng đế Phổ Nghi. Ảnh: Corbis.

“Chúng tôi nói chuyện rất thoải mái. Tôi xem ông ấy là một người bình thường hơn là một vị hoàng đế”, Jin đề cập đến cuộc đời đầy biến động của vị vua. “Ngày trước, người ta phải ‘khấu đầu’ trước ông”.

Theo chuyên gia Wang Qingxiang thuộc Viện Khoa học xã hội Cát Lâm, Trung Quốc, những tài liệu chính thức mà nước này có được về hoàng đế Phổ nghi cho thấy vị vua “phạm phải một số sai lầm”, tuy nhiên cuộc sống sau khi ra tù của ông không có gì đáng chê trách.

Ông Wang là tác giả của 60 cuốn sách về nhà Thanh cũng như vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc.

Ông cũng cho hay đề tài này trở nên nhạy cảm trong những năm qua khi sách của ông phải mất 4 tháng mới được duyệt phát hành, không giống như trước đây.

30 năm không vào Tử Cấm Thành

Sinh năm 1948, ông Jin lớn lên trong hoàn cảnh đối lập với gốc gác quý tộc của mình. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông bị đưa đi “cải tạo” tại vùng nông thôn xa xôi và ở đó suốt 20 năm mới được phép quay về căn nhà ở Bắc Kinh.

Xem thêm  Bố mẹ thường xuyên làm việc này trước mặt con, đừng hỏi vì sao lớn lên trẻ tự ti

“Hồng Vệ Binh lục soát nhà tôi và tịch thu các món đồ”, ông kể. “Họ lấy đi 90% tài sản của gia đình”.

Ông Jin đã bắt đầu sưu tầm cổ vật từ khi còn trẻ. Ông lùng sục mọi khu chợ đồ cổ và thường xuyên tìm được những món đồ mà ông nghĩ có thể ông bà mình đã sử dụng.

Điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia Commons.

Một trong những món đồ được ông giới thiệu trong triển lãm mới đây là chiếc kính vạn hoa của thân phụ vua Phổ Nghi. Đây là món quà mà hoàng đế Wilhelm II của Đức tặng Thuần Thân Vương Tải Phong vào năm 1901.

Ông Jin đã chơi với chiếc kính vạn hoa này từ nhỏ. Khi bị đưa đi cải tạo, ông đã tháo nó ra thành từng phần, cho vào bọc và tìm cách giấu không để Hồng Vệ Binh phát hiện.

Jin nói ông đã không bước chân vào Tử Cấm Thành, nơi ông bà mình từng sinh sống, trong suốt 30 năm vì cho rằng nó “không đáng để mua vé tham quan”.

Tử Cấm Thành hay Cố Cung, cung điện hai triều Minh – Thanh, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1987.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, ông Jin nhận ra người ta ngày càng quan tâm về lịch sử nhà Thanh.

“Triều đại đã chết nhưng chúng ta có thể nhìn nó từ một góc độ khách quan và tôi nghĩ đa số cảm thấy hứng thú và muốn tìm hiểu về cuộc sống trong cung cấm”.

Jin Yulan nói ông không luyến tiếc quá khứ vì sự cáo chung của triều đại là tất yếu. “Đó là lúc nó phải ra đi”.

Theo Dân Việt