Có ý kiến cho rằng Sử Văn Cung không phải là người bắn ra mũi tên độc lấy mạng Thiên vương Tiều Cái. Thậm chí, có giả thiết rằng đó là do một số huynh đệ Lương Sơn bày mưu.
Trong nguyên tác Thủy Hử, trại chủ Lương Sơn Tiều Cái vốn do trúng mũi tên độc có khắc tên Sử Văn Cung nên mới bỏ mạng trong trận chiến ở Tăng Đầu thị. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều nhà phê bình, khoảng thời gian từ lúc Tiều Thiên vương nắm quyền chấp chưởng Lương Sơn cho tới khi bỏ mạng do tên độc vẫn có một số nghi vấn chưa có lời giải đáp.
Cũng bởi vậy mà không ít độc giả cho rằng, cái chết của Tiều Cái thực chất bắt nguồn từ một âm mưu thâm độc. Thậm chí có người còn đặt ra giả thiết, Tiều Thiên Vương vốn không phải do Sử Văn Cung bắn chết mà là do bị ám hại và việc này có sự góp mặt một số huynh đệ Lương Sơn, trong đó có cao thủ thiện xạ Hoa Vinh và đầu lĩnh Tống Giang!
Nghi vấn về mũi tên độc lấy mạng Tiều Cái: Không phải do Sử Văn Cung gây ra?
Trước khi cuộc chiến Tăng Đầu Thị khơi mào, Tiều Cái vốn chủ động muốn đem quân đi đánh, bỏ ngoài tai lời khuyên từ Tống Giang và nhiều huynh đệ Lương Sơn khác.
Cũng trong trận chiến định mệnh này, Tiều Cái đã nghe theo lời của hai vị hòa thượng, quyết định đi đường nhỏ vào thành. Không ngờ Sử Văn Cung cho người mai phục ở đường này, quân Lương Sơn Bạc thua to, Tiều Cái bị trúng tên độc của họ Sử mà chết.
Mặc dù nguyên tác Thủy Hử có chỉ ra mũi tên độc lấy mạng Tiều Cái khắc rõ tên của Sử Văn Cung. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, tên tướng Tăng Đầu thị này nhiều khả năng không phải là người lấy mạng Tiều Thiên vương.
Theo phân tích trên trang Sydneytoday, Sử Văn Cung vốn có võ công tương đối cao, thậm chí có lần từng suýt lấy mạng của một trong ngũ hổ Lương Sơn – Tích Lịch Hỏa Tần Minh (Thủy Hử hồi 67). Một người như vậy hẳn sẽ rất tự phụ, cũng rất ít có khả năng sẽ dùng ám tiễn để giết người, chưa nói việc sử dụng thủ đoạn hèn hạ như tẩm độc vào mũi tên.
Về nghi vấn gây tranh cãi trên, báo Phượng Hoàng (Ifeng – Trung Quốc) và trang QQNewscũng đưa ra một vài phân tích. Theo đó, khi Tiều Cái phát hiện có mai phục và bỏ chạy, thậm chí cả khi bị một toán binh mã lao ra bắn tên, nhánh quân của ông cũng cố gắng cướp đường chạy đi chứ không hề đứng im chịu chết.
Nếu chiếu theo tình huống này thì quân mai phục của Sử Văn Cung chỉ có thể đuổi theo ở phía sau, vậy làm thế nào mà họ Sử kia từ ở phía sau có thể bắn một mũi tên trúng ngay chính diện gương mặt của Tiều Cái?
Về chi tiết trên, Thủy Hử bản nguyên tác miêu tả như sau:
“Đi độ hơn trăm bước bỗng nghe bốn bên chiêng trống vang trời, tiếng kêu dậy đất, có một dẫy đèn đuốc kéo ra, Tiều Cái cả kinh liền dẫn các tướng cùng tam quân cướp đường để chạy. Chạy được hai khúc đường lại gặp một toán nhân mã bắn tên đạn rào rào chắn ngang trước mặt.
Tiều Cái cùng các tướng xung đột tìm đường bất ngờ bị một mũi tên bắn ngay vào mặt khiến Tiều Cái ngã lăn xuống ngựa”.
Tiếp đó lại có đoạn:
“Các đầu lĩnh tới thăm Tiều Cái, thấy mũi tên bắn ngay vào má rất sâu, khi nhổ mũi tên ra thì máu lênh láng như suối chảy vậy, họ xem thì thấy mũi tên có tẩm thuốc độc, trên đề ba chữ Sử Văn Cung.”
Vậy chẳng lẽ tên tướng họ Sử này tài tình đến nỗi có thể dùng “thuật bắn cung ngược”, khiến mũi tên của mình từ phía sau bay lên đằng trước, sau đó vòng ngược lại để rồi đâm vào Tiều Cái? Tuy nhiên cũng có khả năng Sử Văn Cung từ trước đó đã ngấm ngầm mai phục trong toán binh mã chắn đường Tiều Cái và bắn tên.
Thế nhưng điểm đáng nói lại nằm ở chỗ, câu trăn trối của Tiều Cái với Tống Giang trước khi chết là: “Hiền đệ bảo trọng, nếu sau này ai giết được kẻ bắn chết ta, hãy để người đó làm trại chủ Lương Sơn”.
Nếu đánh giá từ lời trăn trối trong nguyên tác, có thể thấy bản thân Tiều Cái cũng không chỉ đích danh Sử Văn Cung là kẻ đã bắn mình.
Từ những nghi vấn trên đây, nhiều người đã phán đoán rằng kẻ bắn trúng Tiều Cái là một người khác chứ không phải là Sử Văn Cung.
Vậy nếu tính cả các hảo hán Lương Sơn thì trong số những nhân vật có liên quan đến Tăng Đầu thị, ai mới là thủ phạm? Ai có bản lĩnh chỉ dùng một mũi tên đã có thể lấy mạng Thiên vương Tiều Cái?
Những “nghi phạm” trong Lương Sơn Bạc và giả thiết về âm mưu thâm độc quyết đoạt mạng Tiều Thiên vương
Cái chết của Tiều Cái có thể xem là một trong số những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong tác phẩm Thủy Hử. Có không ít độc giả cho rằng người bắn chết Tiều Thiên vương vốn không phải Sử Văn Cung mà lại chính là huynh đệ Lương Sơn.
Có ý kiến nhận định, nếu nghi phạm quả thực là một trong số các hảo hán Lương Sơn, vậy thì người này phải có hai điểm dưới đây:
– Thứ nhất, người này bình thường rất giỏi bắn cung, nhưng vào những thời điểm không thi triển tài năng thì lại thường ẩn núp rất kỹ.
– Thứ hai, người này sau khi hành thích Tiều Cái vẫn có thể an toàn rút lui mà không sợ bị hoài nghi, vẫn tiếp tục ở lại Lương Sơn và trở thành một trong số những người được hưởng lợi sau cái chết của Tiều Thiên vương.
Từ hai giả thiết trên đây, rất nhiều nghi vấn đã chĩa mũi dùi vào Tống Giang – nhân vật đảm nhiệm chức trại chủ sau khi Tiều Cái qua đời.
Giả thiết về việc Tống Giang đứng sau cái chết của Tiều Thiên Vương còn có liên quan tới một nhân vật khác, đó là tâm phúc đồng thời cũng là người sở hữu tài bắn cung bách phát bách trúng – Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh.
Là một trong số ít những hảo hán có năng lực bắn tên nổi trội, Hoa Vinh trở thành nghi phạm bởi vì 3 lý do:
– Đầu tiên, Hoa Vinh là huynh đệ tâm phúc của Tống Công Minh – người trực tiếp trở thành trại chủ sau khi Tiều Cái qua đời.
– Tiếp đó, Hoa Vinh sở hữu tài bắn cung đã quá nổi danh, trong vòng trăm bước vẫn có thể bắn đứt đôi lá liễu.
– Thứ ba, Hoa Vinh không đi theo nhóm quân của Tiều Cái, từ đó có thể bí mật hành động.
Tuy nhiên, giả thiết Hoa Vinh là người đã bắn mũi tên lấy mạng Tiều Cái cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Phần lớn những người phản đối ý kiến này đều cho rằng việc Hoa Vinh hành động lộ liễu như vậy sẽ dễ bị hoài nghi. Hơn nữa một người vốn đã nổi danh với tài bắn cung bách phát bách trúng như Tiểu Lý Quảng chắc chắn sẽ không dại dột tới nỗi dùng đúng sở trường của mình để đi hành thích trại chủ.
Một giả thiết khác cũng cho rằng người nhân cơ hội bắn chết Tiều Cái chính là một trong số 20 đầu lĩnh xuống núi cùng ông.
Vào thời điểm tiến đánh Tăng Đầu thị, Tiều Thiên Vương mang theo 5000 binh mã và 20 đầu lĩnh. Trong đó có nhiều người là thân tín của ông như Lâm Xung, Lưu Đường, ba huynh đệ họ Nguyễn. Ngoài những người này còn có một số khác như đám người Tôn Lập, Dương Hùng…
Từ những tên tuổi nói trên, không khó để nhận thấy những huynh đệ tâm phúc của Tống Giang đều không được Tiều Cái dẫn đi trong trận này, đặc biệt là cao thủ bắn tên Hoa Vinh hay quân sư cơ mật Ngô Dụng.
Đầu tiên, có thể loại một vài huynh đệ thân tín của Tiều Cái như 3 huynh đệ Nguyễn thị, Lưu Đường, Bạch Thắng và cả Lâm Xung.
Đội ngũ của Tống Vạn trước kia từng theo Vương Luân cũng không có khả năng hạ thủ. Một phần là bởi võ công của họ không thể tính là cao cường, phần còn lại là bởi người đáng khiến họ ôm hận phải là Lâm Xung, Ngô Dụng chứ không phải Tiều Cái.
Theo phân tích của trang Ifeng, trong số 20 đầu lĩnh đi theo Tiều Thiên Vương đánh Tăng Đầu thị, những người có thể loại khỏi vòng nghi vấn sẽ đáp ứng các tiêu chí:
– Thứ nhất, là thân tín của Tiều Cái: Lưu Đường, Bạch Thắng, Lâm Xung, 3 huynh đệ họ Nguyễn. Đội ngũ thân tín của Vương Luân cũng có thể bỏ qua vì võ công yếu.
– Thứ hai, người không dùng cung tên làm vũ khí hoặc chưa từng được miêu tả là có tài bắn tên, ví dụ như Mục Hoằng, Dương Hùng, Thạch Tú…
– Thứ ba, những người được sắp xếp ở các vị trí thân cận Tiều Cái khi ra trận như Hô Duyên Chước, Âu Bằng, Yến Thuận, Đỗ Thiên…
Từ đó có thể thấy, hai người nằm trong danh sách nghi phạm chỉ còn Từ Ninh và Tôn Lập.
Từ Ninh cùng Tôn Lập võ nghệ vốn không tệ, hơn nữa đều có xuất thân là con nhà binh, năng lực cưỡi ngựa bắn cung hẳn cũng có.
Tôn Lập không mấy khi thân thiết với Tống Giang. Hơn nữa nhân vật này dù võ nghệ khá nhưng thứ hạng ở Lương Sơn lại không cao. Điều này gián tiếp chứng minh ông không phải tâm phúc và cũng không có ràng buộc với Tống Giang.
Từ những suy luận trên đây, trang Phượng Hoàng đưa ra nhận định, đối tượng đáng nghi nhất trong cái chết của Tiều Cái chính là Từ Ninh.
Theo lý thuyết, Tiều Cái vừa qua đời, người ở vị trí “nhị ca” như Tống Giang lại không được trại chủ cũ truyền lại ngai vị. Điểm này càng khiến không ít người suy luận rằng Tống Giang mới thực sự là kẻ đứng sau cái chết của Tiều Cái, còn những huynh đệ bị tình nghi chẳng qua chỉ là là kẻ tiếp tay mà thôi!
Giai thoại về việc Tiều Cái trở thành công cụ của kế “mượn dao giết người”
Ngoài giả thiết xoay quanh Sử Văn Cung và các huynh đệ Lương Sơn, có giai thoại còn truyền lại rằng mũi tên độc lấy mạng Tiều Cái thực chất do một nha dịch ở Tăng Đầu thị bắn ra. (Ảnh minh họa).
Ngoài giả thiết Tiều Cái bị giết bởi âm mưu của huynh đệ ở chính Lương Sơn bạc, có giai thoại còn truyền lại rằng kẻ lấy mạng Tiều Thiên vương thực chất là một nha dịch từng làm việc ở Tăng Đầu thị.
Nha dịch này từng làm thợ săn nên có tài bắn cung rất khá, tuy không thể trong trăm bước bắn xuyên lá dương liễu như Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh, nhưng cũng có thể xem là thiện xạ “bách phát bách trúng”.
Bởi Sử Văn Cung cũng làm quan ở Tăng Đầu thị nên hai người thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn. Họ Sử kia võ công cao cường, dùng thương điệu nghệ, thế nhưng tài bắn cung thì nhiều lần từng bại dưới tay nha dịch này, còn bị chính kẻ thắng cười nhạo nên ghi hận trong lòng và tìm cách trả thù.
Rốt cục, có lần Tăng Gia có việc khẩn, nha dịch kia vì không tới kịp nên bị Sử Văn Cung tố tội, dù thoát án chém đầu nhưng vẫn phải nhận 100 gậy, từ đó trở thành kẻ tàn phế một chân.
Họ Sử kia tuy trút được giận trong lòng nhưng lại bị nha dịch ấy ghi hận. Kẻ này liền âm thầm góp nhặt mũi tên khắc tên của Sử Văn Cung, cố tình thoa lên độc dược, ngấm ngầm tìm cơ hội trả thù.
Hắn vốn muốn dùng mũi tên này bắt chết các quan lớn có dịp đến Tăng Đầu thị để giá họa cho Sử Văn Cung. Tuy nhiên âm mưu chưa thành thì hay tin Tiều Cái đánh tới, liền cố tình mai phục, nhân lúc hỗn loạn bắn chết Tiều Thiên Vương, thành công đổ oan cho họ Sử.
Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng Tống Giang là nhân vật mang hiềm nghi lớn nhất. Tuy nhiên chứng cớ chứng minh lại bị cho là chưa thuyết phục. Bởi vậy giả thiết Tiều Cái bị một nha dịch bắn chết để giá họa cho Sử Văn Cung cũng được nhiều người tin tưởng.
Cho tới ngày nay, cái chết của Tiều Cái vẫn là một trong số những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong Thủy Hử. (Ảnh: Nguồn Internet).
Sự thực là dù có tìm ra mũi tên kia do ai bắn thì cái chết của Thiên vương Tiều Cái vẫn trở thành điều không thể thay đổi. Tuy nhiên so với số phận bi thảm sau này của các huynh đệ Lương Sơn, kết cục của Tiều Cái lại được xem là có phần may mắn.
Sau trận tử chiến với Phương Lạp, các hảo hán Lương Sơn tử trận không ít người. Đa số họ đều ra đi ở nơi đất khách, có người thậm chí còn không được chết toàn thây. Nhìn lại sự ra đi của Tiều Cái, ông được đông đảo huynh đệ hậu táng, tôn vinh, báo thù. Kết cục này miễn cưỡng cũng có thể xem là không tới nỗi quá bi thảm…
Theo Trần Quỳnh/trí thức trẻ/soha