Tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 6/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an để có thêm thông tin nhằm phát hiện bằng giả.
“Chúng tôi cũng đang đề xuất theo hướng tất cả những ai mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng viện đủ lý do để xin đổi bằng. Thực tế công tác quản lý còn hạn chế nên có những trường hợp vi phạm đã lợi dụng để có thêm bằng lái thứ 2, thứ 3”, ông Thể nói.
Mất gì cũng “thi” lại ?
Đề xuất của Bộ trưởng GTVT, chưa rõ được Ủy ban Tư pháp tiếp nhận ra sao, nhưng đã tạo cảm hứng cho hàng loạt “sáng tác” bi hài trên mạng xã hội.
– “Lỡ làm mất giấy kết hôn, có cưới vợ mới không ta? Làm mất giấy tờ nhà có mua nhà mới không? Rồi còn bao nhiêu cái luật rỗi hơi và tốn kém nữa”.
– “Chết tui rồi, lỡ làm mất giấy báo tử, giờ sao xin đi thi lại ta”
-“Mất CMND chắc phải đầu thai lại làm người khác”
-“MẤT HÔN THÚ BẮT CƯỚI LẠI LÀ SƯỚNG CHỨ”
-“Qua mà làm mất khai sinh của con qua thì người anh em đừng bắt qua phải đẻ lại nha. Với lại bằng tốt nghiệp của qua mà mất thì đừng bắt qua đi thi lại. Còn nữa, mất CMND thì không biết phải làm sao để trở thành công dân Việt luôn, chẳng nhẽ xin nhập tịch”.
Những băn khoăn như ý kiến dưới đây cũng có, nhưng bị che lấp gần hết trong trận cười không thể nín nhịn của cộng đồng: “Siết không có nghĩa mất là phải thi lại. Siết là phải làm sao để nâng cao tay nghề của người cầm vô lăng. Làm sao triệt tiêu tiêu cực trong thi và cấp bằng kìa. Còn nếu mất mà phải thi lại thì không thể gọi là siết”.
Mất giấy tờ là phạm luật?
Chính trong Thông tư 46/2012/TT-BGTVT (7/1/2012), Bộ GTVT quy định rõ trường hợp cấp lại giấy phép lái xe khi chính chủ báo bị mất, tại điều 52.
Theo đó, trường hợp bị mất giấy phép lái xe lần thứ nhất, cho dù giấy phép đã quá hạn dưới 3 tháng, không còn hồ sơ gốc, chỉ cần có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch và khi tra cứu vi phạm không thấy giấy phép đang bị thu giữ, thì công dân vẫn được xét cấp lại giấy phép lái xe.
Trường hợp giấy phép bị mất đã quá hạn dưới 1 năm, thì người lái xe cũng chỉ phải thi sát hạch lại lý thuyết.
Những biện pháp ngăn ngừa như vậy tưởng chừng cũng đủ. Nhưng với đề xuất bắt buộc phải thi lại toàn bộ khi mất giấy phép lái xe, nhiều người dân sẽ thấy họ đang phải chịu một biện pháp chế tài. Mà trong luật, chế tài chỉ áp dụng khi công dân vi phạm pháp luật.
E rằng rồi đây, không cứ đánh mất bằng lái xe, mà đánh mất bất cứ thứ gì cũng sẽ là phạm pháp cả.
Trách nhiệm của Bộ GTVT hay của người dân ?
Tình trạng mất an toàn giao thông phức tạp như thời gian qua có phần nguyên nhân không nhỏ từ việc cấp bằng lái cho những người không đạt yêu cầu. Tôi mừng vì Bộ GTVT thấy phải có giải pháp quyết liệt giải quyết vấn đề này.
Việc cấp bằng khống, cấp bằng cho những người không đủ điều kiện về lý thuyết và thực hành… là lỗi của những người làm trong các cơ quan thuộc sự quản lý của Bộ GTVT. Để việc cấp bằng lái xe được nghiêm túc, đúng luật thì Bộ GTVT với chức năng quản lý ngành phải chấn chỉnh cán bộ, công chức, nhân viên của mình.
Với đề xuất của mình, Bộ trưởng GTVT đang đẩy khó cho người dân và làm rối thêm các quy định.
Luật đã đủ, nếu cần làm mới thì cái mới phải giảm tải, giảm khó cho người dân mới đúng.
Chỉ cần một phần mềm quản lý chạy chính xác, tấm thẻ nhựa sẽ chỉ là bằng lái hình thức, còn bản chất dữ liệu nằm trong kho dữ liệu.
Từ đó, Bộ GTVT hoàn toàn có năng lực giám sát việc sử dụng bằng lái cũng như các vi phạm, phát hiện dễ dàng bằng giả, bằng mất hay bị tịch thu.
Và trên hết, việc cấp lại bằng lái trong trường hợp bị mất là nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước, là quyền lợi của công dân.
Chính phủ kiến tạo là làm những việc như vậy, chứ không phải săm soi bằng mắt từng cái bằng lái, hay loại bỏ quyền dân sự của công dân chỉ vì quản lý không xuể .
Theo Trí thức trẻ/Soha