Thứ hai, Tháng mười hai 9
Shadow

Ngân hàng Đông Á mất 24 triệu USD vì mua bán ngoại hối trái phép

Ông Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên kinh doanh USD với ngân hàng Thụy Sỹ và Singapore gây thiệt hại hơn 380 tỷ đồng. 

Trong vụ án Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB) bị thiệt hại hơn 3.500 tỷ đồng sắp được xét xử tại TP HCM, ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT) và hàng loạt nhân viên bị cáo buộc nhiều tội danh. Riêng việc “vượt rào” kinh doanh ngoại hối với đối tác nước ngoài đã khiến DAB thiệt hại hơn 24 triệu USD.

DAB được thành lập năm 1992, vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Trong đó, gia đình ông Bình chiếm hơn 10%; nhóm Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) 7,7%; Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm) gần 13%; Văn phòng Thành ủy TP HCM gần 13%…

Theo cáo trạng, từ năm 2001 đến 2005, dù Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép mua bán ngoại hối trên thị trường nước ngoài, nhưng Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình vẫn chỉ đạo nhân viên mở các tài khoản giao dịch USD tại ngân hàng UOB (Singapore) và Banca Adamas (Thụy Sỹ).

Theo đó, Trưởng phòng kinh doanh Nguyễn Huỳnh Đăng và hai nhân viên Nguyễn Thị Ái Lan, Nguyễn Thị Kim Loan đã thực hiện giao dịch với các ngân hàng quốc tế thông qua kênh liên lạc màn hình, thể hiện dưới dạng lệnh kinh doanh (lệnh Deal). Nội dung lệnh này thể hiện DAB mua ngoại tệ nào, số lượng bao nhiêu, phải thanh toán đối tác số tiền gì…

Hoạt động kinh doanh này trong 2 năm đầu diễn ra bình thường nhưng sau đó DAB liên tục thua lỗ. Tại phía UOB, DAB bị thâm hụt hơn 21 triệu USD, còn ở Banca Adamas là hơn 3 triệu USD. Trong thời gian tìm biện pháp xoay xở, ông Bình chỉ đạo nhân viên thương lượng với hai nhà băng để được trả chậm có tính lãi, đảm bảo bằng quỹ tiền gửi (hàng chục triệu USD) của DAB tại đây nhưng không được hạch toán, theo dõi.

Ông Trần Phương Bình viết thư tay xin lỗi khách hàng, cổ đông và cán bộ nhân viên hồi tháng 8/2015.

Bán gần 25.000 lượng vàng để mua USD chợ đen

Xem thêm  Người trúng 92 tỷ đồng Vietlott: 'Tôi từng không dám ngủ ở nhà'

Để che giấu hành vi trả nợ vì thua lỗ kinh doanh ngoại hối, từ tháng 3/2006 đến 1/2007, các nhân viên DAB lập khống 16 phiếu thu ngoại tệ, thể hiện nhập hơn 20 triệu USD từ hai ngân hàng nước ngoài về kho quỹ.

Tiếp đó, ông Bình chỉ đạo nhân viên xuất gần 25.000 lượng vàng và 70 tỷ đồng để mua gần 24 triệu USD tại các tiệm vàng ở Sài Gòn, đem nhập vào quỹ ngoại tệ mặt để bù các phiếu lập khống ngoại tệ trên. Đây là nguyên nhân gây thiệt hại cho DAB thời điểm này hơn 380 tỷ đồng.

Khai với cơ quan điều tra, ông Bình và các nhân viên DAB thừa nhận hành vi. Nhà chức trách Việt Nam đã có yêu cầu tương trợ tư pháp gửi đến Singapore, Thụy Sỹ để phối hợp điều tra nhưng chưa có phúc đáp. Tuy nhiên, cáo trạng của VKSND Tối cao cho rằng “đây là các tài liệu bổ trợ cho kết quả điều tra, không làm ảnh hưởng đến bản chất sự thật khách quan của vụ án”.

Cùng hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, ông Bình và các nhân viên còn gây thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng khác (trong tổng số thiệt hại hơn 3.500 tỷ của DAB), gồm: gần 470 tỷ do suất quỹ sai nguyên tắc cho 219 công ty để chi lãi ngoài huy động vốn; hơn 610 lượng vàng tài khoản; hơn 53 tỷ (tất toán tài khoản với một khách hàng về khoản vay 1.900 lượng vàng)…

Ngoài ra, cũng bằng việc chỉ đạo cấp dưới lập hàng loạt chứng từ thu khống, ông Bình và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm, 43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) đã chiếm đoạt tổng cộng 2.057 tỷ đồng của DAB.

Không thể định giá 230 triệu cổ phần DAB

Việc thiệt hại hơn 3.500 tỷ đồng là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015 lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỷ và tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỷ.

Xem thêm  Những mặt trái của đồng tiền FDI

Để khắc phục thiệt hại trong vụ án, nhà chức trách đã kê biên 5 bất động sản của các bị cáo và phong toả số lượng lớn chứng khoán… Trong đó có hơn 230 triệu cổ phần DAB đứng tên Công ty Bắc Nam 79, Phan Văn Anh Vũ, gia đình ông Bình và hàng loạt người.

Tuy nhiên, Hội đồng định giá trong tố tụng Hình sự của TP HCM từ chối định giá cổ phần DAB do chưa đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Hai đơn vị khác do Bộ Công an thuê cũng không thể xác định giá trị vì báo cáo tài chính của DAB từ năm 2015 đến 2017 (khi vụ án bị phát hiện) chưa được kiểm toán.

Đến tháng 9, gia đình Vũ Nhôm đã nộp 13 tỷ đồng, ông Bình khắc phục 4 tỷ, Nguyễn Hồng Ánh 500 triệu đồng.

TAND TP HCM dự kiến ngày 27/11 đưa vụ án ra xét xử, kéo dài đến ngày 25/12, do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) làm chủ tọa. Tòa triệu tập nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Đông Á cùng 27 tổ chức, 306 cá nhân với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.

Phan Văn Anh Vũ bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 BLHS 2015. Ngoài cáo buộc là đồng phạm với Vũ Nhôm, ông Trần Phương Bình cùng 24 người khác còn bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS 1999) và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285, BLHS 1999). Tất cả đều có khung hình phạt 20 năm đến chung thân.

Trước khi bị truy tố trong vụ án này, ngày 30/7, Vũ Nhôm bị TAND Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

Quốc Thắng- Theo VNE

Link gốc